Hướng dẫn về Khung pháp lý thử nghiệm cho ngành tài chính của Singapore. Ảnh minh họa |
Sandbox – một lựa chọn “cứu cánh”?
Trong bối cảnh hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh của chúng ta (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại điện tử, các luật về thuế…) chưa có quy định liên quan đến các mô hình kinh doanh mới, đòi hỏi các bộ, ngành cần chủ động, nhanh chóng nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật cụ thể cho các mô hình kinh doanh này theo hướng tạo quy định rõ ràng, thuận lợi cho đăng kí, hoạt động của doanh nghiệp, trên cơ sở đánh giá rủi ro các mô hình kinh doanh mới có thể gây ra trên thực tế.
Trong Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” vừa diễn ra mới đây, TS Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Nhóm chuyên gia công nghệ ONPUN – cho rằng, trước hiện tượng mới, có những khía cạnh chưa dễ hình dung hoặc chưa thể lường trước các diễn biến, tác động, việc áp dụng các cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế (sandbox) là lựa chọn không ít các quốc gia đã làm.
“Sandbox cho phép thử nghiệm trong môi trường thực tiễn, nhưng có phạm vi và thời gian xác định, cùng với các biện pháp bảo vệ thích hợp để ngăn chặn bất kì hậu quả nào của sự thất bại mà không ảnh hưởng quá nhiều đến hệ thống tài chính quốc gia” – TS. Chu Thị Hoa nhận định.
Việt Nam hiện đứng thứ ba châu Á về khởi nghiệp sáng tạo. Các nhà khởi nghiệp ở nước ngoài đang có xu hướng quay về Việt Nam khi thấy tín hiệu từ Chính phủ trong việc soạn thảo hành lang pháp lý về sandbox cho Fintech. Theo các chuyên gia, trước khi có đạo luật riêng cho Fintech, Chính phủ cần có ngay khung pháp lý sandbox cho doanh nghiệp và cộng đồng có môi trường hoạt động thay vì ngồi chờ hoặc ra nước ngoài hoạt động.
Tuy nhiên, thử nghiệm trong khuôn khổ và phạm vi hạn chế để vừa phát huy được hiệu quả thử nghiệm cái mới của sandbox, nhưng đồng thời cũng giảm thiểu được những rủi ro luôn đi kèm với mô hình thử nghiệm, cũng như để tránh tình trạng sandbox một cách tràn lan theo phong trào, thậm chí có những doanh nghiệp mượn áo khoác “sandbox” để cố tình vượt rào pháp lý.
Cho phép thí điểm, nhưng cần thận trọng
Tuy sandbox có thể giúp thúc đẩy sáng tạo và gỡ khó phần nào cho các nhà hoạch định chính sách, song do cách tiếp cận thí điểm này rất mới, nên tác dụng và hiệu quả của nó cũng chưa được chứng thực, phụ thuộc nhiều vào môi trường pháp lý và khung thể chế của từng quốc gia.
TS. Chu Thị Hoa cho rằng, sandbox phải được xây dựng và triển khai áp dụng với quan điểm doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm để không làm mất cơ hội của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khung pháp lý sandbox phải có “không gian và thời gian được xác định rõ ràng” vì “thử nghiệm thất bại có thể xảy ra”. TS.Hoa khuyến nghị Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế sandbox bằng việc xây dựng và ban hành Nghị định về sandbox theo mô hình của Singapore và việc áp dụng cơ chế sandbox cho từng lĩnh vực và trong điều kiện nhất định phải được thực hiện khi phân tích từng tình huống chính sách cụ thể.
Theo khuyến nghị của Liên Hợp quốc, các chính phủ cần “cân nhắc thận trọng” khi lựa chọn các công nghệ, dịch vụ cho phép sandbox. Ngoài việc dự đoán trước tiềm năng thành công của dịch vụ đó, các nhà quản lý còn cần “xác định rõ mục tiêu cần đạt được và những thách thức sẽ phát sinh” trong quá trình thí điểm. Họ cũng phải dành nguồn lực đáng kể cho việc giám sát các doanh nghiệp triển khai thí điểm để đảm bảo không có tình trạng “xé rào”, vượt rào xảy ra.
Có thể thấy, để sandbox phát huy được hiệu quả cao nhất nhưng vẫn giảm thiểu rủi ro một bộ quy định về sandbox cần giải đáp được những vấn đề then chốt nhất của sandbox như lĩnh vực, ngành nghề nào được phép thí điểm, bởi một số lĩnh vực nếu cho phép sandbox sẽ tạo ra rủi ro cao về an ninh chính trị, an ninh tiền tệ, an ninh dữ liệu, điều tiết kinh tế vĩ mô như ngân hàng, thanh toán, tín dụng, năng lượng, báo chí thông tin… Bên cạnh đó, cần làm rõ tiêu chí nào để một doanh nghiệp, sản phẩm, công nghệ được tham gia thí điểm, số lượng doanh nghiệp được tham gia thí điểm tối đa và tối thiểu, phạm vi và thời hạn thí điểm tối đa…
Đồng thời với các quy định pháp lý cho cơ chế sandbox, cũng cần có những công cụ mạnh về công nghệ để giám sát hoạt động thí điểm của các doanh nghiệp, từ đó cơ quan giám sát có thể lập tức can thiệp kịp thời khi phát sinh đột biến, rủi ro, cũng như có chế tài đủ mạnh, minh bạch để răn đe những doanh nghiệp thí điểm cố tình lợi dụng sandbox để lách luật, xé rào.
Việc sớm có một khuôn khổ, một quy chuẩn cho sandbox là rất cần thiết để tránh nguy cơ phát sinh các vấn đề vượt tầm kiểm soát, khiến các cơ quan quản lý lúng túng trong việc xử lý. Cơ quan quản lý nhà nước cần có tầm nhìn xa, lường trước những rủi ro và hệ lụy có thể nảy sinh từ sandbox, từ đó chuẩn bị sẵn sàng tâm thế và những phương án cần thiết một cách chủ động.
Kinh nghiệm từ Singapore
Ngày 16/11/2016, Cơ quan quản lý tiền tệ của Singapore (MAS) công bố Hướng dẫn về Khung pháp lý thử nghiệm cho ngành tài chính, nhằm khuyến khích những khởi nghiệm sáng tạo về công nghệ tài chính có thể được thử nghiệm ở thị trường, sau đó được áp dụng ở quốc gia khác. Những thử nghiệm này được tiến hành trong một không gian và thời gian được xác định rõ ràng với các biện pháp bảo vệ thích hợp để bảo vệ cho “hệ thống tài chính” của Singapore. Theo đó, DN khởi nghiệp muốn tham gia vào khung pháp lý Sandbox phải thỏa mãn các điều kiện trong Hướng dẫn.
Ngày 14/11/2017, MAS công bố Bản hướng dẫn tạm thời về ICOs (tiền ảo).