Hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Với tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hằng năm, các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Được thực hiện tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm từ tháng 11-2018 đến tháng 9-2019, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành đạt tỷ lệ 78,08%. Như vậy, số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành của các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại 16 tỉnh, thành phố đã giúp các Tòa án thực hiện thí điểm không phải thụ lý rất nhiều vụ việc. Đối với những vụ việc hòa giải, đối thoại không thành, qua quá trình giải quyết tại Trung tâm, các hòa giải viên đã giải thích giúp các bên có nhận thức đúng đắn hơn về vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết án sau này của Tòa án.
Kết quả thí điểm nêu trên được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, phù hợp với xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp thay thế xét xử của nhiều quốc gia trên thế giới. Kết quả thí điểm đã khẳng định những giá trị mà phương thức giải quyết tranh chấp này mang lại.
Với những ưu điểm của hòa giải, đối thoại tại Tòa án qua thời gian thí điểm, Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; Thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; Nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tăng tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án với tỷ lệ 90,27%.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 Chương, 42 Điều, quy định về phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Luật không áp dụng đối với hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.
Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính bằng hình thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án; khuyến khích những người đủ điều kiện theo quy định của Luật này làm Hòa giải viên và tạo điều kiện, hỗ trợ cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Chính phủ trình Quốc hội quyết định sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Tòa án Nhân dân tối cao trong tổ chức, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại.