Khuyến nghị cẩn trọng với chính sách tiền tệ

(PLVN) - Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2019, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Song Việt Nam cần cẩn trọng trong chính sách tiền tệ, có giải pháp để tránh bị  đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, gây rất nhiều bất lợi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông tin tại buổi tọa đàm “Công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2019” vừa diễn ra, ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho biết, GDP quý III/2019 đạt mức 7,31%; trong 9 tháng đạt 6,98%, bằng với tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2018. Với mức tăng trưởng này, VEPR dự báo tăng trưởng quý IV là 7,26% và cả năm 2019 đạt 7,05% so với mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% do Quốc hội đề ra.

Đáng chú ý, số liệu kinh tế vĩ mô là cán cân thương mại hàng hóa trong quý III của Việt Nam ước tính thặng dư 4,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước thâm hụt 4,9 tỷ USD, khu vực FDI (kể cả dầu thô) thặng dư 9,16 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2019, giá trị xuất khẩu của hàng Việt Nam sang Mỹ tăng 27%  so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 39 tỷ USD. Kết thúc quý III/2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng vượt ngưỡng 71 tỷ USD, mua ròng 6 tỷ USD từ cuối quý 1 cho đến nay.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, trong những tháng cuối năm, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Nhật Bản - Hàn Quốc sẽ có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, giá trị đồng tiền và tài sản của Việt Nam:

“Việc Việt Nam trở thành một trong bảy đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong quý 3, lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng tới hơn 71 tỷ USD đã đưa Việt Nam tới gần cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ. Nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ trong tương lai gần là rất lớn. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan”, Viện trưởng VEPR  khuyến nghị và cho rằng, Việt Nam nên tập trung vào các chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để đối mặt bất ổn của kinh tế thế giới, đặc biệt nên điều chỉnh tỷ giá linh hoạt, giữ lãi suất ổn định nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý.

Chuyên gia kinh tế TS.Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, NHNN cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc giải trình các vấn đề liên quan tới chính sách tỷ giá, thương mại của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cần phải có giải pháp để tránh trường hợp bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, gây rất nhiều bất lợi.

Trước đó, ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo về các chính sách kinh tế vĩ mô thương mại và tỷ giá của các nước đối tác có quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ và có đưa ra danh sách 9 quốc gia theo dõi, giám sát trong đó có Việt Nam.

Theo quy định của phía Hoa Kỳ, có 3 tiêu chí để đánh giá các quốc gia có quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ là: Có thặng dư thương mại đối với Hoa Kỳ trên 20 tỷ USD; Có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP; Có can thiệp ngoại hối một chiều, tức mua ròng ngoại tệ trong vòng 6 tháng liên tục khoảng 2% GDP.

Với 3 tiêu chí trên, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Việt Nam thỏa mãn 2 tiêu chí của phía Hoa Kỳ, tức là có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lớn hơn 20 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP, còn về can thiệp ngoại hối một chiều thì chúng ta thấp hơn ngưỡng phía Hoa Kỳ đưa ra.

Báo cáo trước Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, Việt Nam điều hành chính sách là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chúng ta không dùng những chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, tạo lợi thế thương mại một cách không công bằng...

Đọc thêm