Bất thường tới… khó tin
Năm nay, cả nước có 879.705 thí sinh dự thi có lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, trong đó 810.382 thí sinh Giáo dục THPT và 69.323 thí sinh Giáo dục Thường xuyên (GDTX). Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt: 97,57%; trong đó Giáo dục THPT đạt 98,36%, GDTX đạt 88,37%.
Bộ GD-ĐT cũng cho rằng tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh THPT cao hơn hẳn học sinh GDTX; các tỉnh có điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội thì tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn các tỉnh ở vùng còn khó khăn. Các tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp cao trên 99% đều là những tỉnh có truyền thống dạy tốt học tốt như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Long An, Vĩnh Long, Bắc Ninh. Các thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng có số lượng dự thi cao đều đạt tỷ lệ tốt nghiệp trên 98%.
Một số địa phương có điều kiện dạy và học còn khó khăn như Cao Bằng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi tỷ lệ đạt trên 92%; Hà Giang tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 89,35%. Đặc biệt, khối GDTX ở một số tỉnh khó khăn thì tỷ lệ tốt nghiệp thấp như Gia Lai 49,85%, KonTum 50,54%.
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi và phổ điểm, nhiều thầy cô giáo và các chuyên gia giáo dục đã chỉ ra những bất thường. Bất thường đầu tiên là từ danh sách mà Bộ GD-ĐT công bố thí sinh có điểm cao nhất của kỳ thi THPT quốc gia 2018. Những địa phương có điều kiện học tốt hơn, lâu nay có thành tích tốt hơn, đặc biệt là các thành phố lớn có quá ít học sinh điểm cao môn Toán. Rất nhiều câu hỏi đặt ra khi có tỉnh miền núi chiếm ưu thế về số học sinh điểm cao ở một số môn thi. Bất ngờ nữa là kết quả thi cho thấy, nhiều thí sinh có học lực không giỏi nhưng lại đạt điểm cao khiến nhiều người ngạc nhiên.
Dư luận đang đặt nghi vấn trường hợp em Trần N.D ở Sơn La đạt điểm tuyệt đối ở môn Lịch sử và Tiếng Anh. Điểm các môn thi khác của em cũng rất cao, Toán 9,6 điểm, Văn 9 điểm và Địa lý 8,25 điểm. Nếu tính 6 môn thi, Trần N.D chính là thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Mặc dù Phó Hiệu trưởng THPT chuyên Sơn La và cô giáo chủ nhiệm của em này đều tỏ ra khá bất ngờ với kết quả mà học trò đạt được, tuy nhiên, thầy cô các em cũng lý giải rằng đó là điều hoàn toàn bình thường sau những nỗ lực ôn thi của các em.
Và rõ hơn cả là những bất thường về điểm thi ở Hà Giang. Cụ thể, cả nước năm nay có hơn 925.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, trong đó Hà Giang có 5.500 thí sinh, chỉ chiếm 5,9% số thí sinh của cả nước. Thế nhưng, năm nay Hà Giang đã đạt được rất nhiều kỷ lục, vượt qua cả những địa phương có truyền thống dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh dự thi và kết quả cao hàng năm như Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định…
Nếu như những năm trước, điểm thi các môn khoa học tự nhiên là những “cơn mưa” điểm 10 thì năm nay, bởi đề thi khó, nên ngay ở môn Toán, chỉ có 2 thí sinh đạt điểm 10. Và toàn kỳ thi THPT quốc gia 2018, cả nước chỉ có 76 thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên, trong đó Hà Giang có 36 thí sinh, chiếm 47,37% tổng số thí sinh cả nước đạt được mức điểm này. Hơn nữa, số thí sinh đạt trên 27 điểm khối A (Toán-Lý-Hoá) của cả nước là 82, thì riêng Hà Giang có 29 (chiếm 35,3%).
Và với môn Vật lý, toàn tỉnh có 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên, trong khi số thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 chỉ 28. Theo các chuyên gia, kết quả này trái quy luật, những thí sinh đạt mức từ 8 đến dưới 9 phải có tỉ lệ nhiều hơn từ 9 trở lên mới hợp lý. Ở môn Toán cũng xảy ra hiện tượng tương tự, số thí sinh đạt điểm trên 9 nhiều hơn số thí sinh đạt mức điểm từ 8-8,5. Một bất thường nữa là, dù có nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay của Hà Giang lại chỉ đạt 89,35%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Cùng với đó, nhiều thí sinh nằm trong nhóm có điểm thi cao nhất cả nước đến từ Hà Giang, nhưng cách đó vài tháng điểm thi thử của những thí sinh này lại tương đối thấp.
Theo đánh giá của ông Lê Đức Vĩnh, nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học viện Nông nghiệp Hà Nội: Là người mấy chục năm dạy về thống kê và phân tích số liệu, tôi cho rằng kết quả thi của Hà Giang là cực kỳ phi lý. Nếu những người điều hành nền giáo dục đặt cao sự trung thực trong giáo dục thì nên cho điều tra những điểm số dị thường trong kỳ thi năm nay ở một số hội đồng thi có kết quả bất thường chẳng hạn như Hà Giang, Sơn La, Phú Thọ, Bạc Liêu và một số tỉnh khác. Dù rằng, việc tìm ra gian lận trong chấm thi trắc nghiệm là cực kỳ khó khăn.
Chỉ các em và thầy cô biết?
Ngay sau khi thông tin phản ánh trên một số diễn đàn, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang cho biết, địa phương này tuân thủ quy trình chặt chẽ việc chấm thi, có thanh tra, giám sát. Như vậy, liệu có thể có kẽ hở gì trong các quy trình chấm thi khiến điểm cao vọt?
Nhiều chuyên gia cho rằng, chấm thi trắc nghiệm do máy chấm nên nếu làm nghiêm túc thì không có gì đáng ngại về kết quả thi. Tuy nhiên, là máy chấm nhưng điều khiển là ở con người. Và đây không chỉ là bài thi tốt nghiệp THPT mà còn là kì thi lấy điểm xét tuyển vào ĐH. Những lo âu về bài thi được thầy cô chấm cho học trò mình, địa phương mình với những lỏng tay hay gian lận là hoàn toàn có cơ sở. Với bài thi trắc nghiệm, nếu có sự thông đồng, thì có thể lấy bài thi ra, rồi tẩy chì và khoanh đáp án đúng. Nếu điều này xảy ra sẽ rất khó để phát hiện. Trong khi với bài thi tự luận, chỉ cần nhìn chữ, hoặc giám định nét chữ là phát hiện được ngay.
Mặc dù quy trình chấm thi trắc nghiệm vô cùng nghiêm túc và chuẩn xác. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều được chấm bằng máy, được bảo quản nghiêm ngặt từ lúc thí sinh nộp bài thi đến lúc chấm thi. Bộ phận giám sát chấm bài trắc nghiệm gồm cán bộ giám sát của đơn vị chủ trì cụm thi, đơn vị phối hợp tổ chức thi và công an. Trước và sau khi quét đều phải lập biên bản niêm phong.
Thí sinh tô đáp án trên phiếu trả lời trắc nghiệm bằng bút chì và có thể tẩy đi để chọn đáp án khác. Bộ GD-ĐT cũng quy định rõ, các thành viên tham gia xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm tuyệt đối không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh với bất kỳ lý do gì. Sau khi quét, tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm và phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại đơn vị. Tất cả những quy trình này đều thực hiện với sự giám sát của nhiều bên, từ thanh tra đến công an.
Theo TS Lê Viết Khuyến nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT với quy trình trên, việc gian lận, tiêu cực chỉ có thể xảy ra khi có sự thông đồng giữa các bên, tức là sai phạm có tổ chức, chứ một người không thể có đủ thời gian để làm được… Ông Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, nếu nhìn dưới góc độ một vài học sinh hay một vài chục học sinh thì điểm cao như vậy có thể xảy ra nhưng đây là bình diện rộng nên chuyện này là điều không bình thường.
Có thể nói, như nhiều ý kiến cho rằng, nếu muốn minh bạch, nên cho các em làm lại bài thi, chỉ cần các em làm được 50% bài thi là tốt rồi. Thế nhưng, đó là câu chuyện chưa từng có tiền lệ khi mà lỗi không thuộc về các em. Cũng như vụ Đồi Ngô trước đây hay vụ 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long “bắt tay” chấm nới tay trong kì thi tốt nghiệp THPT 2011… gây chấn động và để lại “dấu ấn” về các kì thi tốt nghiệp, thí sinh đều không phải làm lại bài thi. Bởi lỗi đó thuộc về người lớn, về “căn bệnh” thành tích, hư danh bằng mọi giá phải vào ĐH mới là “nên người”, mới bằng “con người ta” là khát khao của phụ huynh hoặc để giữ thành tích cho địa phương…
Nếu có gian lận, sẽ xử lý nghiêm!
Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, quan điểm của Bộ GD-ĐT là làm thật nghiêm, xử lý nghiêm nếu phát hiện tỉnh này có gian lận trong kỳ thi, không loại trừ ai.
Trước đó, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết Bộ đã chủ động có công văn gửi Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tại Hà Giang để rà soát quy trình. Ông Độ khẳng định nếu đúng địa phương này có sai phạm, sẽ nghiêm khắc xử lý theo quy định. Tuy nhiên, ông Độ cũng thừa nhận trong thực tế, làm được việc đó cũng rất khó khăn bởi tất cả quy trình của kỳ thi được thực hiện đảm bảo, từ tổ chức thi, không cho phép thí sinh nhìn bài nhau, đến chấm trắc nghiệm. Do đó, việc hỗ trợ nhau trong phòng thi cũng như hỗ trợ trong coi thi hầu như không có.
Việc gian lận trong thi cử, bộ đang cho rà soát, nếu có việc đó cũng dễ dàng phát hiện để xử lý. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho hay sai phạm có thể được phát hiện nhờ rà soát quy trình có chặt chẽ không. Yếu tố thứ hai là chấm hậu kiểm. Điều này cũng đã được đặt ra trong quy chế. Quy chế nêu rõ nếu phát hiện bất thường, Bộ GD-ĐT có thể chấm thẩm định ở địa phương để phát hiện sai sót. Trong quy định của Bộ GD-ĐT, việc thành lập hội đồng chấm thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi do Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng làm Chủ tịch.