Kích hoạt hệ thống đặt cọc - hoàn trả: Giải pháp tốt để hạn chế ô nhiễm nhựa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về nhựa đã ra mắt Nhóm kỹ thuật mới nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xúc tác đầu tư đối với những giải pháp hiệu quả trong giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Trong đó, giải pháp trước mắt là xây dựng một hệ thống đặt cọc - hoàn trả nhằm khuyến khích người tiêu dùng hoàn trả các vỏ hộp đựng đã qua sử dụng để tái chế và tái sử dụng.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đổi mới sáng tạo để giảm rác nhựa

Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP) là nền tảng đối tác đa phương, đa chủ thể được chính phủ thiết lập, cho phép thực hiện hợp tác giữa Chính phủ và các đối tác quan trọng để chuyển những cam kết về rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa thành hành động. Nhóm công tác Chương trình NPAP, bao gồm hơn 30 thành viên lãnh đạo và đại diện cấp cao từ các bộ, ngành, đại sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các hiệp hội và tổ chức, được chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ TN&MT. Ban Thư ký Chương trình NPAP được điều phối bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

NPAP đã ra mắt Nhóm kỹ thuật mới nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xúc tác đầu tư đối với giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nhựa hiệu quả tại Việt Nam. Nhóm kỹ thật Đổi mới sáng tạo và Tài chính do Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TN&MT và Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW) đồng chủ trì - giúp tập hợp các cơ quan chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng chung tay thúc đẩy những ý tưởng, giải pháp sáng tạo nhằm điều hướng cho những thay đổi tích cực trong giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế nhựa, cũng như khơi dòng tài chính bền vững mới.

Trưởng Nhóm kỹ thuật, ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TN&MT nêu rõ: “Việc thành lập Nhóm Đổi mới sáng tạo và Tài chính là một phần trong kế hoạch hoạt động NPAP đã được thống nhất tại cuộc họp thường niên của Nhóm công tác Chương trình NPAP vào ngày 12/4/2023 vừa qua. Đây là Nhóm kỹ thuật đầu tiên sẽ ra mắt và hoạt động trong khuôn khổ Chương trình NPAP nhằm thúc đẩy đổi mới cách thức hoạt động của Chương trình cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn sau 02 năm triển khai tại Việt Nam”.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh việc ra mắt Nhóm kỹ thuật đánh dấu cách tiếp cận phù hợp với xu thế chung của Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP), cũng như sẽ góp phần hỗ trợ và thúc đẩy các giải pháp sáng tạo xử lý rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa tại Việt Nam thông qua vận động và huy động các nguồn hỗ trợ cho Việt Nam, tăng cường khả năng tiếp cận và chia sẻ công nghệ liên quan đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa.

Trả tiền cọc khi mua sản phẩm chai nhựa

Hợp tác với Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội và thương vụ Đại sứ quán Na Uy - cơ quan Innovation Norway, phiên họp đầu tiên của Nhóm kỹ thuật đã được tổ chức để thảo luận về các công nghệ mới cho Hệ thống đặt cọc - hoàn trả (DRS). Hệ thống DRS đã được áp dụng thành công tại hơn 27 quốc gia trên thế giới như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Ý,… trong nhiều thập kỷ. Đặc biệt, phương pháp này có thể góp phần hiệu quả trong việc giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần.

Bà Mette Møglestue - Phó Đại sứ Na Uy tại Hà Nội cho biết: “Hệ thống đặt cọc - hoàn trả đã được minh chứng là hệ thống thực hiện tốt nhất khi có thể thu gom và tái chế với tỷ lệ cao nhất các loại vỏ hộp đồ uống. Được coi là hình mẫu về thu hồi và tái chế vỏ hộp, DRS của Na Uy là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả trên thế giới, gắn liền cùng cơ chế thực hiện EPR”.

Cụ thể, trong DRS, người tiêu dùng trả một khoản tiền đặt cọc nhỏ khi mua sản phẩm chai nhựa hoặc lon đồ uống. Phần tiền đặt cọc sẽ được hoàn khi họ mang gửi lại vỏ hộp tại điểm thu gom được chỉ định. Cơ chế này khuyến khích người tiêu dùng hoàn trả các vỏ hộp đựng đã qua sử dụng để tái chế và tái sử dụng, giảm bớt sức ép cho những bãi chôn lấp rác, bảo vệ dòng sông và đại dương khỏi rác thải nhựa rò rỉ.

Hệ thống đặt cọc - hoàn trả hiệu suất cao có thể thúc đẩy đáng kể sự quay vòng của các loại hộp đựng nước giải khát như chai nhựa, lon nhôm với tỷ lệ thu hồi cao, vừa là phương thức tiếp cận chính giúp trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được thực hiện bởi các doanh nghiệp - là người sản xuất và sử dụng những vỏ lon này.

Tham tán Thương mại của Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, Giám đốc cơ quan Innovation Norway, ông Arne-Kjetil Lian đánh giá, để thực hiện thành công cơ chế EPR, khối tư nhân có vai trò hết sức quan trọng với tư cách vừa là người thực thi chính sách vừa là nhà cung cấp các giải pháp kiến tạo. “DRS có thể thúc đẩy đáng kể tính tuần hoàn của vỏ đồ uống và cải thiện quy trình bao bì bền vững trong khi giúp thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Ngoài ra, một hệ thống DRS hiệu quả sẽ giúp gia tăng tỷ lệ thu gom, từ đó hỗ trợ đạt được các mục tiêu tái chế tham vọng hơn và bảo đảm việc thực thi đầy đủ các nghĩa vụ EPR”, ông Lian cho biết.

Ngoài việc thúc đẩy xây dựng và phát triển hệ thống DRS, trong năm 2023, NPAP Việt Nam tiếp tục hoạt động tích cực trên các lĩnh vực tác động, tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khơi dòng tài chính, song song với hỗ trợ chính sách và phát triển toàn diện, nhằm tiếp cận những giải pháp sáng tạo và khám phá các cơ hội đầu tư mới để giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Đọc thêm