Kiềm chế hành vi bạo lực tại lễ hội

(PLO) - Màu sắc bạo lực, tính khí hung hăng, ứng xử thô bạo đang có nguy cơ nhen nhóm tại một số lễ hội. Cần có ngay những bàn tay ngăn chặn, uốn nắn để hiện tượng này không trở thành vấn đề nóng trong mùa hội xuân năm nay và những năm sau.
Kiềm chế hành vi bạo lực tại lễ hội
1. Dư luận đang dấy lên những luồng ý kiến lo ngại về hành vi bạo lực, hình ảnh hiến tế đẫm máu tại một số lễ hội truyền thống diễn ra mấy ngày đầu xuân vừa qua. Có nơi như ở lễ hội thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, hai “ông ỉn” bị chém giữa sân đình, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân, trong đó có nhiều em nhỏ. Nhiều người còn quết tiền vào máu tươi vung vãi trên sân để… lấy may. Có nơi như ở hội đền Gióng – xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, thanh niên, khách đi hội tranh giành hoa tre, trầu lễ gây xô xát, ẩu đả… 
Không phải đến năm nay hiện tượng này mới có, mà việc chém lợn trong lễ hội đã trở lại những năm gần đây khi khôi phục lễ hội. Còn cảnh xô xát giành lễ cũng đã khá phổ biến. Cuộc tranh giành, cướp phết trong lễ hội tại Phú Thọ từng được báo chí phản ánh cũng cho thấy nhiều người bị đau, có người thâm tím, xây xước, chảy máu. 
Những cuộc chen lấn kinh hoàng để xin ấn tại lễ khai ấn đền Trần ở Nam Định cũng làm nhiều người tơi tả. Có khi không chủ động gây gổ, xô xát, nhưng những hành vi chen chúc, đè nén lên nhau một cách thô bạo cũng không khác gì những trận đòn!
2.
Theo các nguồn tư liệu, dấu hiệu và hành vi có tính chất bạo lực trong một số lễ hội truyền thống không phải gần đây mới có, mà ở một số địa phương từng có việc người dân ném nhau… khi diễn ra lễ hội như một tập quán lâu đời. 
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, phải đặt những hành vi bị cho là phản cảm như chém lợn vào không gian văn hóa của lễ hội, trong bối cảnh truyền thống văn hóa của địa phương với những nét đặc trưng. Hoặc hãy để cho cộng đồng sở tại tự quyết định việc tổ chức, duy trì những nghi lễ có những hành vi đó sẽ diễn ra như thế nào. 
Nhưng rõ ràng trong phong tục, tập quán truyền thống, vẫn có những hiện tượng, hành vi cần điều chỉnh chứ không thể bất di bất dịch. Nhất là khi hiện tượng, hành vi đó lại bày ra những cảnh máu me, giết chóc, tàn sát loài vật một cách công khai, hoặc lôi kéo người tham gia lễ hội vào những cuộc tranh giành, ẩu đả gây đau đớn, tổn thương, làm suy giảm sức khỏe và gây bức xúc về tâm lí. 
Dù đằng sau những hiện tượng, hành vi đó là những lý giải trên cơ sở văn hóa, truyền thống lâu đời của địa phương, ước nguyện trong đời sống tâm linh của người dân sở tại thì cách tổ chức, thực hiện, duy trì lễ hội của một cộng đồng, một địa phương vẫn cần có sự góp ý, điều chỉnh và sự quản lý của pháp luật chứ không thể ngoảnh mặt như những người đứng ngoài. Và để xảy ra những hình ảnh phản cảm, những hậu quả như thế chính là đi ngược lại với tinh thần xây dựng nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật của lễ hội. 
Trong đời sống hiện đại, khi xã hội đang ngày càng nhận ra và hướng đến những cư xử văn minh, tôn trọng con người, tôn trọng thiên nhiên, sự vật, thực trạng tái hiện những hành vi có tính chất bạo lực như vậy trong lễ hội cần được lý giải cặn kẽ và sớm có biện pháp ngăn chặn, kiềm chế. 
3.
Như nhiều sự kiện văn hóa, xã hội tập trung đông người khác, mỗi lễ hội đều có lực lượng an ninh trật tự để theo dõi, giám sát. Nay khi khả năng xảy ra xô xát, ẩu đả có dấu hiệu tăng lên thì ban tổ chức, địa phương sở tại cần tăng cường lực lượng, xây dựng các phương án giữ trật tự ở những vị trí, những khoảng thời gian “nhạy cảm”. 
Những đối tượng là nguyên nhân, trung tâm gây rối hay kiếm cớ ẩu đả, hành hung trong lễ hội cũng chính là gây rối trật tự nơi công cộng, cần bị xử phạt theo pháp luật và thông báo rộng rãi đến cộng đồng. Trước mỗi kỳ lễ hội, ban tổ chức, chính quyền địa phương cũng cần khuyến cáo với người dân để cảnh báo, đề phòng trước khả năng xảy ra xô xát.
Sâu xa hơn, những hành vi bạo lực trong lễ hội truyền thống còn bắt nguồn từ sự cuồng tín, mê tín, từ tâm lí đám đông. Đối phó với những tồn tại này, thật khó nếu chỉ bằng những quy định pháp luật, những biện pháp hành chính, mà  phải bằng tuyên truyền, cảm hóa lâu dài. 
Tuy nhiên, việc tuyên truyền áp đặt, mòn sáo sẽ chỉ vô hiệu quả hoặc phản tác dụng. Cần tìm ra những cách phổ biến, quảng bá, tìm hiểu mới mẻ, hấp dẫn đối với người dân sở tại và khách thập phương. Qua đó lan tỏa tinh thần nhân văn, nhân ái tại lễ hội cùng những ứng xử thanh lịch, văn minh. 
Thí dụ, có thể tổ chức điều tra xã hội học, lấy ý kiến rộng rãi của người dân ở làng, xã, huyện, tỉnh nơi diễn ra lễ hội có cảnh hành quyết con vật hoặc hành vi bạo lực. Từ đó lấy ý kiến chung của cộng đồng lớn và sự góp ý của các cơ quan quản lý văn hóa để tác động, điều chỉnh dần đối với một số ý kiến bảo thủ của những vị có tiếng nói trong cộng đồng sở tại. 
Cũng nên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lễ hội truyền thống địa phương, về những ý tưởng trong việc tổ chức và làm mới, làm hay lễ hội cho các em học sinh và thanh niên trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức giữ gìn lễ hội văn minh, thanh lịch cho thế hệ trẻ. Qua đó sẽ có tác động hiệu quả đối với các bậc phụ huynh, các bậc cao niên ở thôn, làng, phường, xã. 
Thêm một điều đáng chú ý nữa, tại những lễ hội có nội dung phong phú, đặc biệt là có nhiều chương trình, tiết mục văn hóa, nghệ thuật cho công chúng thưởng thức thì nguy cơ xảy ra chen lấn, xô xát, tranh giành cũng ít hơn. Đó chính là tác dụng của văn nghệ đã làm cho lòng người ta “mềm đi”, khoan hòa, tươi vui hơn mà bớt đi sự tham lam, cục cằn. 
Với các lễ hội chủ yếu có nội dung tập trung vào các lễ rước, phát ấn, chia lộc… mà ít nội dung vui chơi, thưởng lãm, các ban tổ chức hãy bổ sung, mở rộng các “trò”, các tiết mục văn nghệ, các hình thức diễn xướng để “cảm hóa” lòng người. Đó cũng là một cách để phân tán số đông, giảm tập trung quá nhiều người dễ dẫn đến chen lấn, xô xát. 
Mùa lễ hội xuân Ất Mùi 2015 vừa bắt đầu. Sẽ còn nhiều lễ hội khác tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra hành động thô bạo, phản cảm, hành vi bạo lực như chen lấn xin ấn, giết mổ trâu tràn lan sau hội chọi trâu cũng như giết mổ các động vật khác rồi treo thịt lủng lẳng để chào hàng… 
Ngành Văn hóa nên đề nghị các địa phương, với những lễ hội nào có khả năng xảy ra hiện tượng như trên thì chính quyền, ban tổ chức cần xây dựng ngay kế hoạch tăng cường lực lượng, phương án phòng, chống, kiềm chế các hành vi bạo lực, các hình ảnh phản cảm, thô bạo tại lễ hội. 
Đừng để một số không gian lễ hội là nơi cần hướng công chúng đến sự thành kính, lòng bao dung, thái độ hòa đồng, tư thế thảnh thơi, nhàn nhã thì lại trở thành chỗ mà sự mê tín, thói ích kỷ, tính nóng nảy và những hành động thô thiển được bộc lộ./.

Đọc thêm