Trả lời:
Biện pháp đưa đối tượng ra kiểm điểm trước nhân dân là biện pháp áp dụng đối với người có hành vi vi phạm về an ninh trật tự nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự.
Biện pháp này có thể áp dụng độc lập đối với người có hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức bị xử phạt hành chính (chỉ bị đưa ra kiểm điểm trước nhân dân); hoặc cũng có thể áp dụng kèm theo biện pháp xử lý hành chính (vừa bị phạt tiền, vừa bị đưa ra kiểm điểm).
Thông thường Công an xã sẽ chủ trì tổ chức buổi đưa đối tượng ra kiểm điểm nhân dân, có phối hợp với Đảng ủy, chính quyền địa phương và tổ dân phố nơi đối tượng vi phạm cư trú. Về trình tự buổi kiểm điểm, đối tượng sẽ đọc bản tự kiểm điểm trước các ban ngành chức năng và đại diện nhân dân, bày tỏ thái độ ăn năn hối cải trước việc làm sai trái và cam kết sẽ không tái phạm, mong chính quyền địa phương cùng nhân dân tha thứ để có cơ hội sửa chữa phấn đấu trở thành công dân tốt.
Biện pháp kiểm điểm trước nhân dân không phải là biện pháp xử phạt hành chính nên không bị coi là tiền sự, người bị đưa ra kiểm điểm không bị coi là nhân thân có “tì vết”. Tuy vậy, người bị đưa ra kiểm điểm vẫn bị coi là đối tượng thuộc diện bị theo dõi ở địa phương.
Trường hợp của em trai chị có hành vi đua xe trái phép nhưng do chị không nói rõ em trai chị ngoài việc bị đưa ra kiểm điểm thì có bị áp dụng biện pháp xử phạt hành chính hay không nên luật sư chưa thể xác định em trai chị có bị coi là có tiền sự hay không?
Nếu em trai chị vừa bị xử lý hành chính vừa bị đưa ra kiểm điểm thì trong hồ sơ nhân thân bị ghi là có tiền sự (tiền sự có thời hiệu trong 12 tháng nên nếu người bị phạt đã thực hiện xong nghĩa vụ nộp tiền phạt và không vi phạm mới thì sau 1 năm sẽ được xóa tiền sự); còn nếu em trai chị không bị xử phạt hành chính, chỉ bị áp dụng biện pháp kiểm điểm trước dân thì không bị coi là có tiền sự.