Kiểm soát chặt thu nhập của người có chức vụ

 Nạn tham nhũng đã từng bước được đẩy lùi sau 5 năm thi hành Luật phòng chống tham nhũng, tuy nhiên nhìn một cách căn cơ, Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh PCTN.
Nạn tham nhũng đã từng bước được đẩy lùi sau 5 năm thi hành Luật phòng chống tham nhũng, tuy nhiên nhìn một cách căn cơ, Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh PCTN.

Chưa có chế tài xử lý đối với người không kê khai tài sản

Tổng kết từ thực tiễn thi hành Luật PCTN, Thanh tra Chính phủ cho rằng một trong những hạn chế của luật này mới chỉ đề cập đến chống tham nhũng trong khu vực nhà nước, khu vực công. Tuy nhiên trong thực tế, hành vi tham nhũng diễn ra ở cả khu vực công và khu vực tư ngăn cản sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Bên cạnh đó, mặc dù Luật PCTN đã quy định khá cụ thể về nội dung minh bạch tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, Luật chưa quy định rõ đối tượng thuộc diện phải kê khai và trách nhiệm giải trình tài sản, thu nhập. Luật cũng mới chỉ quy định việc xử lý đối với người kê khai không trung thực hoặc kê khai không đầy đủ, chưa có quy định về việc xử lý đối với người không kê khai tài sản. Những quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn chưa toàn diện vì một số cơ quan, lĩnh vực vẫn chưa có các quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, ví dụ như các hoạt động không thuộc quy định giữ bí mật nhà nước trong Công an, quân đội.

Theo Thanh tra Chính phủ, để việc triển khai thực hiện Luật PCTN, đặt ra yêu cầu cấp thiết sớm sửa đổi toàn diện Luật nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật làm cơ sở cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Với quan điểm phải coi các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn là chủ trương chiến lược, căn bản, lâu dài trong PCTN; kết hợp giữa phòng và chống, Thanh tra Chính phủ cho rằng xây dựng Luật PCTN phải bảo đảm tính khả thi nhưng có bước đi thích hợp, phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta.

Công chức nước ngoài cũng có thể bị “xử” nặng

Theo Thanh tra Chính phủ, Luật PCTN sửa đổi lần này sẽ quy định xử lý bằng biện pháp hình sự đối với hành vi đưa và nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác có liên quan đến công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế vì mục đích vụ lợi; quy định  điều kiện áp dụng, bổ sung hành vi tham nhũng trong khu vực tư về tội danh đưa, nhận hối lộ và tham ô tài sản trong khu vực tư; bổ sung hành vi làm giàu bất hợp pháp của công chức nếu có tài sản tăng lên đáng kể so với thu nhập bất hợp pháp; hoàn thiện quy định về bảo vệ nhân chứng….

Bên cạnh đó, dự kiến, Luật sửa đổi cũng quy định bổ sung quy định về minh bạch tài sản, thu nhập. Quy định rõ hơn về công khai bản kê tài sản, thu nhập, xác minh nguồn gốc tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc, tăng cường các biện pháp quản lý tài sản, thu nhập…. Quy định rõ đối tượng thuộc diện phải kê khai và trách nhiệm giải trình tài sản, thu nhập, quy định về xử lý đối với người không kê khai tài sản.

Riêng đối với việc kê khai tài khoản ở nước ngoài, theo Thanh tra Chính phủ cần bổ sung quy định về việc xác định số dư tài khoản ở nước ngoài; bổ sung quy định về kiểm soát thu nhập đối với cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn; nghiên cứu, đề xuất xây dựng quy định kiểm tra, giám sát tài khoản người trong gia đình hoặc cộng sự có liên quan tới cá nhân đang hoặc đã giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước.

Theo Thanh tra Chính phủ, sửa đổi Luật PCTN trước mắt, cần quy định cụ thể các biện pháp phòng ngừa thông qua việc tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước; trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước; xây dựng và hoàn thiện chế độ công vụ; công khai, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.

PV

Đọc thêm