Điều hành giá không được áp đặt thủ tục hành chính
Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, mặt bằng giá cả thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước biến động theo xu hướng giảm dần, tạo dư địa cho điều hành trong 6 tháng cuối năm.
Giải thích nguyên nhân trên, ông Tuấn phân tích, ngoài yếu tố tác động từ cung, cầu thị trường một số mặt hàng trong dịp lễ, tết theo quy luật hàng năm thì yếu tố kéo CPI tăng do Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình thị trường và biến động giá xăng dầu. Ngoài ra, việc tăng mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở doanh nghiệp từ đầu năm cũng tác động làm tăng giá một số loại dịch vụ liên quan.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm cũng xuất hiện các nguyên nhân góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI là giá thịt lợn giảm mạnh cùng với việc tăng cường quản lý, điều hành giá của Chính phủ, phối hợp thực hiện của các bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng dự báo các sức ép lên mặt bằng giá trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể là việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường, tăng lương cơ sở từ 1/7, các rủi ro thiên tai, thời tiết bất lợi và giá thịt lợn có thể phục hồi về mức giá ban đầu sẽ tác động lên mức tăng CPI bình quân…
Đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, chủ động trong điều hành giá của các bộ, ngành trong 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% trong năm nay hoàn toàn có thể thực hiện được; đồng thời nhấn mạnh điều hành giá năm 2017 phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra “độ trễ” của lạm phát trong những năm sau.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng định hướng cho điều hành giá, đó là phải bám sát quy luật cung - cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính đồng thời gắn với việc chuyển các giá dịch vụ công thiết yếu theo lộ trình giá thị trường.
Đối với việc điều hành giá với các mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bộ Công Thương điều hành giá điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hài hòa mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất điện và tác động chi phí đẩy tới sản xuất, tiêu dùng và đời sống nhân dân, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo việc điều chỉnh giá dịch vụ BOT của các trạm thu phí đã quyết toán trong năm 2017 theo hướng ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian thu... Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá việc điều chỉnh học phí của giáo dục đại học, dạy nghề so với lộ trình; tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, bảo đảm kiểm soát lạm phát, an sinh xã hội. Ngoài ra, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện đấu thầu thuốc tập trung quốc gia và đấu thầu thuốc thuộc danh sách chi trả của Bảo hiểm Xã hội để kéo giảm giá thuốc từ 10 - 15%.
Tạo thuận lợi thương mại gắn với phòng chống gian lận thương mại
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ- Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì phiên họp quý II/2017 của Hội đồng nhằm xây dựng báo cáo phục vụ điều hành của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.
Các thành viên Hội đồng đánh giá các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định trong 6 tháng đầu năm. Lạm phát được kiểm soát, tiệm cận về mục tiêu của cả năm 2017 (4,15% so với chỉ tiêu 4% vào hết năm) đúng theo kế hoạch điều hành của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy vậy, các thành viên Hội đồng cũng dự báo các rủi ro, bất định của kinh tế thế giới, xu hướng thay đổi các dòng vốn thương mại sang hướng bảo hộ, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ, EU giảm cũng sẽ tác động tới kinh tế trong nước.
Ghi nhận các ý kiến của Hội đồng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến kinh tế vĩ mô, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư, đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa tại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập gắn với đẩy nhanh lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ công; ban hành văn bản hướng dẫn và củng cố công cụ triển khai Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu.
Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển logistics và tạo thuận lợi thương mại gắn với phòng chống gian lận thương mại; tiếp tục khai thác các tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ để bảo đảm tăng trưởng bền vững và lâu dài.