Kiểm soát quyền lực để chống lạm quyền

Những tài liệu lưu trữ cho thấy, cuộc thảo luận về phòng chống lạm quyền, tham nhũng của các cơ quan, công chức nhà nước diễn ra đặc biệt nghiêm túc ngay từ đầu của quá trình soạn thảo Hiến pháp Mỹ. Nó được khơi nguồn từ một tuyên bố của George Mason, trong đó ông nêu rõ: “Nếu chúng ta không có quy định (trong Hiến pháp) về chống tham nhũng, chính quyền của chúng ta sẽ sớm đi tới sự sụp đổ”...

Những tài liệu lưu trữ cho thấy, cuộc thảo luận về phòng chống lạm quyền, tham nhũng của các cơ quan, công chức nhà nước diễn ra đặc biệt nghiêm túc ngay từ đầu của quá trình soạn thảo Hiến pháp Mỹ.

Nó được khơi nguồn từ một tuyên bố của George Mason, trong đó ông nêu rõ: “Nếu chúng ta không có quy định (trong Hiến pháp) về chống tham nhũng, chính quyền của chúng ta sẽ sớm đi tới sự sụp đổ”.

Lo lắng của George Mason nhận được sự đồng tình của rất nhiều đại biểu khác trong Hội nghị lập hiến và vấn đề ông nêu ra được thảo luận một cách sôi nổi trong nhiều phiên họp của Hội nghị mãi đến khi bản Hiến pháp được phê chuẩn.

Một tài liệu cho thấy trong suốt quá trình này, có đến 15 đại biểu của Hội nghị lập hiến nói đến vấn đề tham nhũng trong tổng cộng 54 lần phát biểu. Chính vì vậy, một tác giả đã nhận định: “Gần như có một sự đồng thuận tuyệt đối (trong Hội nghị lập hiến) rằng cần phải ngăn chặn tham nhũng, bởi khi tham nhũng xâm nhập vào hệ thống chính trị, nó sẽ gây ra sự tha hóa nghiêm trọng”.

 Theo một tác giả khác, trong Hội nghị lập hiến các thành viên dường như tự coi họ “đang phải đối mặt với mối đe dọa lâu dài bởi tham nhũng”. Một tác giả nữa đưa ra nhận xét tổng quan nhất khi cho rằng: “Những nhà lập hiến của chúng ta đã xem tham nhũng chính trị như là một mối đe dọa chính với quốc gia non trẻ.

Phòng, chống tham nhũng là vấn đề trung tâm trong tầm nhìn chính trị của họ. Các đại biểu tham gia Hội nghị Lập hiến năm 1787 – bất luận ủng hộ hay phản đối thể chế liên bang, ủng hộ chính thể cộng hòa hay chính thể quân chủ - tất cả đều chia sẻ nỗi ám ảnh chung với vấn đề tham nhũng.

Bị ảnh hưởng bởi những tác phẩm của Montesquieu, trong đó xem tham nhũng như là trở ngại hàng đầu với sự phát triển của một chính thể, họ đã xem xét tất cả các dạng tham nhũng mà có thể phát sinh trong các mô hình chính quyền để thiết kế lên một bản Hiến pháp trong đó quy định các cơ chế phòng chống tham nhũng nhiều đến mức có thể”.

Nói tóm lại, xuyên suốt quá trình thảo luận xây dựng Hiến pháp Mỹ là vấn đề chế định và kiểm soát quyền lực nhà nước – điều mà xuất phát từ nỗi lo ngại của các nhà lập hiến nước này về nguy cơ quyền lực của nhân dân trao cho nhà nước có thể bị lạm dụng, lợi dụng để vơ vét làm lợi cho một số cá nhân và để đàn áp chính người dân.

Nói như một chuyên gia, những nhà soạn thảo Hiến pháp Mỹ đã bị ám ảnh mạnh mẽ bởi nguy cơ tham nhũng và đã cố gắng để phòng ngừa hành động đó của các cơ quan nhà nước; họ đã coi Hiến pháp như là một cấu trúc để phòng, chống tham nhũng.

Ở đây, rõ ràng các nhà lập hiến Mỹ đã không tin vào quan điểm ‘nhân chi sơ tính bản thiện”, mà ngược lại, họ có xu hướng cho rằng “nhân chi sơ tính bản ác”, nên chủ định đề phòng sự lạm quyền, tham nhũng của các cơ quan và quan chức nhà nước ngay trong quá trình soạn thảo Hiến pháp.

Xu hướng tư tưởng này thể hiện qua nhận định của Bernard Bailyn trong tác phẩm nổi tiếng của ông, Nguồn gốc tư tưởng của cuộc Cách mạng Mỹ: “Bản chất sâu xa nhất của con người là ích kỷ và tham nhũng; tham vọng mù quáng khiến cho con người thường xuyên bỏ qua thậm chí cả những lẽ phải thông thường nhất, và họ thường bị ham muốn quyền lực chế ngự, vì thế, không bao giờ nên giao quyền lực cho bất cứ cá nhân nào mà không có sự kiểm soát”.

Kết quả là tư tưởng phòng, chống tham nhũng thấm đẫm trong cách thức tổ chức quyền lực nhà nước của Hiến pháp Mỹ. Ba điều đầu tiên của bản Hiến pháp nổi tiếng này phân chia quyền lực nhà nước cho ba ngành riêng biệt: (1) Lập pháp - đại diện bởi Quốc hội; (2) Hành pháp - đại diện bởi Tổng thống; (3)Tư pháp - đại diện bởi Tòa án Tối cao, với mục đích không cho bất kỳ nhánh quyền lực nhà nước nào trở nên quá mạnh (mà sẽ dẫn tới tham nhũng, lạm quyền).

Hiến pháp cũng thiết lập các quy định để ba nhánh quyền lực đã nêu có thể kiểm soát và chế ước lẫn nhau, cũng với mục đích phòng ngừa sự tham nhũng, lạm quyền.

Đơn cử, theo Hiến pháp, Tổng thống bổ nhiệm các thẩm phán liên bang nhưng Thượng viện có quyền phê chuẩn họ. Ý tưởng về phòng, chống tham nhũng chi phối hầu như tất cả các quy định ở ba điều quan trọng đầu tiên của Hiến pháp Mỹ, kể cả những vấn đề tưởng chừng ít liên quan. Ví dụ, sở dĩ Hiến pháp Mỹ trao quyền cho Hạ viện chứ không cho Thượng viện được quyết định về các sắc thuế [Điều 1, mục 7] , vì Thượng viện bị coi là dễ tham nhũng hơn do số lượng thành viên ít hơn Hạ viện.

Những điều trên dẫn đến nhận định của một chuyên gia cho rằng, phòng chống tham nhũng cần được coi một nguyên tắc hiến định độc lập của Hiến pháp Mỹ. Nhận định này để phản ứng với một thực tế là ở Mỹ (cũng như ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới) mặc dù Hiến pháp mang trong mình nó ý tưởng và có vai trò vô cùng quan trọng với cuộc chiến chống tham nhũng – nhưng chức năng vĩ đại này lâu nay thường bị lãng quên.

Ở hầu hết quốc gia, các nhà chính trị, người dân và cả một số nhà nghiên cứu thường chỉ nghĩ đến Hiến pháp như một văn kiện về tổ chức quyền lực nhà nước mà thôi. Rất ít người nói đến chức năng kiểm soát và chế ước quyền lực của Hiến pháp; lại càng ít người liên hệ chức năng này với vấn đề phòng, chống tham nhũng.

Hiến pháp của Việt Nam trước đây và hiện hành cũng  nằm trong một khung cảnh như vậy. Vì vậy, việc sửa đổi lần này phải có mục tiêu khắc phục tình trạng trên.

Xuyên suốt quá trình thảo luận xây dựng Hiến pháp Mỹ là vấn đề chế định và kiểm soát quyền lực nhà nước – điều mà xuất phát từ nỗi lo ngại của các nhà lập hiến nước này về nguy cơ quyền lực của nhân dân trao cho nhà nước có thể bị lạm dụng, lợi dụng để vơ vét làm lợi cho một số cá nhân và để đàn áp chính người dân.

GS.TS Nguyễn Đăng Dung - TS Vũ Công Giao

Đọc thêm