Kiểm soát quyền lực

(PLVN) - Những ngày qua, sau khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố 38 bị can trong vụ án liên quan kit test Cty Việt Á; báo chí đã có nhiều bài viết về vụ án này, ở nhiều góc độ khác nhau, với từng bị can khác nhau.
Ảnh minh họa (Ảnh Vienamnet).
Ảnh minh họa (Ảnh Vienamnet).

Vụ án chưa được đưa ra xét xử; tuy nhiên, cho đến giờ đã có thể thấy rất nhiều bài học; trong đó có bài học về kiểm soát quyền lực. Cần nhắc lại rằng, cách đây chưa lâu, đã diễn ra phiên sơ thẩm xét xử vụ “Chuyến bay giải cứu”. Cả hai “đại án” nhức nhối dư luận.

Phiên tòa xét xử vụ “Chuyến bay giải cứu” và kết luận điều tra “đại án” Cty Việt Á được hoàn thành đúng vào thời điểm Bộ Chính trị ban hành Quy định 114-QĐ/TW “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” (gọi là Quy định 114) thay thế cho Quy định 205-QĐ/TW trước đây. Quy định 114 ra đời trong thời điểm này thật sự cần thiết.

Quy định 114 của Bộ Chính trị ra đời góp phần siết chặt hơn nữa trong công tác kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Nếu như Quy định 205 trước đây mới chỉ “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền””; thì Quy định 114 xác định “kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”. Tức là phạm vi rộng hơn nhiều.

Quy định 114 đã chỉ rõ hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi trong công tác cán bộ. Có thể thấy, chưa khi nào quy định của Đảng có những điểm mới như quy định lần này.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý kỷ luật rất nhiều cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao (91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Số cán bộ tha hóa, biến chất không chỉ do cửa quyền, lộng quyền, lạm quyền như trước đây; mà còn tham lam vật chất, dẫn đến phạm pháp. Riêng vụ án Việt Á, trong số 38 bị can, đã có 3 cựu Ủy viên Trung ương, vị nào cũng nhận số tiền không nhỏ của Việt Á.

Việc Trung ương ban hành Quy định 114 thể hiện quyết tâm như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “phải kiểm soát quyền lực, phải “nhốt” quyền lực trong lồng cơ chế, để anh muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được, muốn lợi dụng cũng không lợi dụng được”.

Về lý luận, quyền lực tuyệt đối, tất yếu sinh ra suy thoái tuyệt đối. Thực tiễn cho thấy tình trạng thừa quyền lực nhưng thiếu năng lực, trước hết là năng lực chính trị và pháp luật, trong điều kiện Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng pháp luật, là hậu họa nhãn tiền.

Chúng ta có đủ bộ máy kiểm tra, thanh tra. Vì vậy, không thể buông lỏng sự kiểm soát quyền lực; không thể để xảy ra tình trạng quyền lực “bất kham” gây hậu họa.

Đọc thêm