Kiểm soát thuốc lá mới: Bộ Y tế cần đánh giá chính thức về sản phẩm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Công điện 47/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Y tế nghiên cứu và đề xuất giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng. Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, cần Bộ Y tế đánh giá chính thức về tác hại của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, sau đó sửa đổi các quy định pháp luật liên quan nếu khẳng định sản phẩm có hại tới mức phải cấm.

Trong bối cảnh thực trạng buôn lậu thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN) đang tăng mạnh cùng nhiều tác động tiêu cực, báo cáo nghiên cứu khoa học toàn diện của Bộ Y tế (BYT) sẽ mang tính trọng yếu để giúp Chính phủ giải quyết nỗi lo lắng về thực trạng và hệ lụy từ thị trường chợ đen của các sản phẩm này trong gần 10 năm qua.

Cần có nghiên cứu khoa học toàn diện trước khi quyết định chính sách

Về vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương (BCT), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ/CP hướng dẫn Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là trách nhiệm được Chính phủ giao.

Trước đó, trả lời trên báo chí, Thứ trưởng BCT Phan Thị Thắng cho biết, BCT đã tổ chức hội thảo liên bộ để lấy ý kiến, gồm Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ cùng các đơn vị liên quan. Tại đây, các đại biểu đã thảo luận về định hướng chính sách, tham khảo kinh nghiệm quản lý quốc tế, trong đó có các công trình nghiên cứu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 4/6. (Nguồn: Tạp chí Công Thương)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 4/6. (Nguồn: Tạp chí Công Thương)

Trên cơ sở các bằng chứng khoa học và ý kiến thực tiễn từ các Bộ, ngành liên quan về trách nhiệm cấp thiết lấp khoảng trống pháp lý đối với TLĐT, TLLN, BCT cũng đã nhiều lần đề xuất cách kiểm soát các mặt hàng này theo hướng tiệm cận nhất với quan điểm của BYT.

Tuy nhiên, do đến nay vẫn còn quan điểm khác biệt nên BCT đề xuất BYT đánh giá toàn diện về thuốc lá mới trên góc độ khoa học, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phòng chống tác hại của thuốc lá. Kết quả đánh giá của BYT sẽ giúp hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, làm cơ sở pháp lý để kiểm soát hiệu quả TLĐT, TLLN. Bên cạnh đó, nếu BYT khẳng định sản phẩm thuốc lá mới có hại cho sức khỏe tới mức phải cấm thì BCT ủng hộ việc cần sớm sửa đổi các quy định pháp luật liên quan.

Vừa qua, trên Truyền hình Quốc hội, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Cần thiết có sự nghiên cứu, công nhận, công bố chính thức của các cơ quan chức năng về quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực thuốc lá này”. Theo ông Hạ, để có cách ứng xử đúng đắn với TLĐT, TLLN, cần phải có đầy đủ thông tin khoa học, dựa trên những công bố chính thức, nghiên cứu cụ thể và thậm chí là các kinh nghiệm pháp lý và thực tiễn quốc tế.

Nhiều nghiên cứu độc lập từ các quốc gia bên cạnh nghiên cứu của WHO

Tại phiên thảo luận hội trường của Kỳ họp thứ 7 ngày 29/5, ông Tạ Văn Hạ nêu rõ, bên cạnh tiền ảo, thuốc lá mới vẫn là một trong những lĩnh vực thiếu khung pháp lý. Ông nhấn mạnh Việt Nam vẫn còn khoảng trống pháp lý với sản phẩm này. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu cả về khoa học và thực tiễn để có những ứng xử phù hợp về mặt pháp lý đối với loại sản phẩm này.

Tại Đại hội tổng kết công tác nhiệm kỳ VII (2019 - 2023) và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ VIII (2024 - 2029) mới đây, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA ) đề nghị cơ quan chức năng ban hành khung pháp lý nhằm quản lý thuốc lá mới.

Trên thế giới, vào ngày 6/6, một loại TLĐT bị cấm từ năm 2022 đã được FDA Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm . Được biết, FDA đã thực hiện nhiều nghiên cứu độc lập để đánh giá mức độ ảnh hưởng của TLLN, TLĐT lên sức khỏe trước khi cấp phép cho một số sản phẩm cụ thể.

Về phía Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo thông tin công bố năm 2020 và báo cáo tại Hội nghị COP10 giữa các nước tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) vào tháng 2/2024, hàm lượng các chất độc hại của TLLN thấp hơn thuốc lá điếu. Từ COP8 (2018), WHO chính thức khuyến nghị các nước quản lý TLLN theo luật hiện hành. Thống kê mới nhất của WHO cho thấy ít nhất 175 quốc gia đã đưa TLLN vào quản lý.

Bên cạnh FDA Hoa Kỳ, WHO, Việt Nam có thể tham khảo các nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu khoa học, y tế uy tín trên thế giới như Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), Viện Đánh giá Rủi ro Đức (BfR), Bộ Y tế Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, New Zealand … để làm rõ tác động, mức độ độc hại của TLLN, TLĐT.

FDA Hoa Kỳ công bố kết quả nghiên cứu về hàm lượng các chất gây hại trong TLLN và thuốc lá điếu.

FDA Hoa Kỳ công bố kết quả nghiên cứu về hàm lượng các chất gây hại trong TLLN và thuốc lá điếu.

Được biết, mới đây, sau gần 5 năm nghiên cứu, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO ) đã công bố tiêu chuẩn ISO cho danh mục TLLN. Theo đó, tiêu chuẩn quan trọng để xác định một sản phẩm được gọi là TLLN là “sản phẩm có chứa thành phần thuốc lá được đặc chế để làm nóng mà không đốt cháy bởi thiết bị làm nóng, tạo ra khí hơi aerosol có chứa nicotine”.

Sau phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, TS Vũ Đình Ánh , nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) đề nghị “cần có tiếng nói từ nhiều phía… để có cái nhìn toàn diện, phù hợp, kể cả trước mắt cũng như về lâu dài”. Ông cho rằng nội dung trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về thuốc lá mới là “phù hợp với thực tiễn hiện nay, có tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới”.