Kiểm toán Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Còn nhiều hạn chế, bất cập

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kết quả kiểm toán cho thấy việc thực hiện Chương trình tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập.
Kiểm toán Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Còn nhiều hạn chế, bất cập

Hơn 20.400 tỷ đồng vốn chưa được phân bổ, điều chỉnh linh hoạt

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa hoàn thành cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc triển khai thực hiện, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình); việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính và 7 dự án đầu tư xây dựng do UBND các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang làm chủ đầu tư.

Qua kiểm toán, KTNN chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Chương trình tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Cụ thể, đối với Bộ KH&ĐT, KTNN chỉ ra rằng, việc tham mưu trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội (QH) ban hành chính sách đầu tư phát triển thuộc Nghị quyết 43/2022/QH15 với tiến độ thực hiện ban đầu trong 2 năm 2022 - 2023 còn chưa khả thi trong quá trình thực hiện, dẫn đến phải báo cáo QH cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn thuộc Chương trình đến hết ngày 31/12/2024.

Bộ chưa tham mưu Chính phủ trình QH tại Kỳ họp thứ 6, QH khoá XV để không tiếp tục thực hiện và cắt giảm quy mô đầu tư đối với 7 dự án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được Thủ tướng giao vốn giai đoạn 2022 - 2023. Các đơn vị này đã có văn bản xin dừng triển khai, cắt giảm quy mô, đã được Ủy ban Thường vụ QH đồng ý cho phép cắt giảm số vốn 1.217,628 tỷ đồng từ Chương trình và yêu cầu Chính phủ báo cáo QH tại Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV.

Đối với Bộ Tài chính, tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình thuộc phạm vi quản lý của Bộ còn chậm so với yêu cầu về giải ngân nguồn vốn trong 2 năm 2022, 2023. Có 3/10 dự án thuộc Chương trình được giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản đầu tư xác định chủ trương đầu tư còn chưa sát dẫn đến quá trình thực hiện phải thực hiện phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư về mục tiêu đầu tư và quy mô đầu tư.

Làm rõ nguyên nhân, tham mưu xử lý theo quy định

Đối với việc thực hiện Chương trình tại các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, theo KTNN, tính đến ngày 31/3/2024, còn 20.491 tỷ đồng của hạn mức vốn Chương trình chưa được các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ, điều chỉnh linh hoạt, chiếm tỷ lệ 15,7% tổng mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chính sách đầu tư phát triển; còn 13 dự án chưa phê duyệt dự án đầu tư nên chưa đủ thủ tục giao chi tiết kế hoạch vốn với tổng số vốn được Thủ tướng giao 1.759 tỷ đồng (gồm 8 dự án thuộc bộ, cơ quan trung ương quản lý; 5 dự án thuộc địa phương quản lý).

Đến ngày 31/1/2024, tổng vốn đầu tư của Chương trình đã giải ngân 85.022 tỷ đồng, bằng 65,1% so với kế hoạch Thủ tướng giao. Một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 chưa đạt yêu cầu. Một số Bộ, địa phương giao vốn thấp hơn so với số vốn được Thủ tướng giao kế hoạch từ Chương trình. 44 dự án tại các địa phương có thời gian khởi công hoàn thành trước năm 2024 nhưng chưa bố trí đủ vốn đối ứng với số vốn còn thiếu là 546,2 tỷ đồng.

Đối với việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư, qua kiểm toán chi tiết 7 dự án, kết quả kiểm toán cho thấy công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư còn nhiều tồn tại, hạn chế như lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư ban đầu với quy mô công trình chưa phù hợp dẫn tới phải điều chỉnh quy mô đầu tư trong khi tổng mức đầu tư không thay đổi...

Từ những tồn tại, hạn chế đã nêu, KTNN kiến nghị xử lý tài chính qua kiểm toán chi tiết 7 dự án hơn 3,483 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 1,676 tỷ đồng và giảm dự toán, giảm thanh toán hơn 1,807 tỷ đồng. Cùng với đó, KTNN cũng kiến nghị Bộ KH&ĐT yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động rà soát, làm rõ nguyên nhân đối với từng dự án do mình chủ quản, báo cáo để tổng hợp, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng xử lý theo quy định đối với các trường hợp cụ thể.

Đọc thêm