Kiểm toán Nhà nước: Kiến nghị hủy bỏ gần 200 văn bản có vi phạm nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế

(PLVN) - Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.
KTNN kiến nghị xử lý tài chính 52.970 tỷ đồng, chuyển CQĐT 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
KTNN kiến nghị xử lý tài chính 52.970 tỷ đồng, chuyển CQĐT 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Chuyển 5 vụ việc vi phạm sang CQĐT

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), mặc dù trong điều kiện của dịch bệnh Covid-19 song với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, nên đến 30/9/2020, đã hoàn thành việc triển khai 147/184 đoàn kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 114/147 đoàn kiểm toán (đạt 77,5% số cuộc đã triển khai), phát hành 98 báo cáo kiểm toán.  

Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 30/9/2020 là 52.970 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu 3.074,5 tỷ đồng, giảm chi NSNN 10.700 tỷ đồng, kiến nghị khác 39.195,5 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí. Riêng cơ quan kiểm toán kiến nghị trực tiếp sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 64 văn bản (01 luật, 01 nghị định, 09 thông tư, 04 quyết định và 49 văn bản khác).

Cũng theo KTNN, cơ quan này đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán, đã cung cấp 97 bộ tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.

Siết chặt kỷ luật quản lý, sử dung tài sản công

Các kết quả kiểm toán được thực hiện trong năm được đánh giá là đã góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.

Theo KTNN, qua kiểm toán ngân sách bộ, ngành và ngân sách địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phát hiện: Công tác xây dựng dự toán cho một số đơn vị chưa sát với thực tế, không bám sát nhiệm vụ chi, dẫn đến cuối năm phải hủy dự toán hoặc không phân bổ, giữ lại ngân sách cấp trên làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách;

Một số địa phương như TP. Đà Nẵng, các tỉnh Hải Dương, Bến Tre, Lạng Sơn, Ninh Bình, Gia Lai được cho là phân bổ kế hoạch vốn cho một số dự án chưa đầy đủ thủ tục đầu tư hoặc không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020;  Một loạt địa phương cũng bị kiểm toán điểm danh là đã phân bổ vốn đầu tư vượt tổng mức đầu tư được duyệt hoặc vượt tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn như: tỉnh Cao Bằng 17 dự án, TP. Đà Nẵng 195 danh mục dự án, tỉnh Bến Tre 04 dự án.

Bên cạnh đó,  tình trạng phân bổ kế hoạch vốn chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên, bố trí vốn chưa phù hợp với thực tế dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung còn xảy ra tại hầu hết các địa phương được kiểm toán.

Thống kê cho thấy, đến 31/12/2019, tại một số địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản với giá trị lớn như: tỉnh Bắc Ninh 670,9 tỷ đồng; Hà Tĩnh 300,3 tỷ đồng; Hải Dương 500,1 tỷ đồng; Phú Thọ 260,6 tỷ đồng...; Nhiều tỉnh, thành phố vẫn còn tình trạng để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới với số tiền lên tới 1.922,3 tỷ đồng;

Qua kiểm toán, phát hiện 09/18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa báo cáo đầy đủ nợ đọng thuế, số nợ thuế qua kiểm toán phát hiện tăng thêm 1.923 tỷ đồng; Tỉnh Lâm Đồng và Lai Châu được xác định là 2 địa phương ứng trước dự toán ngân sách trung ương nhưng chưa bố trí để thu hồi với số tiền lên tới 1.785,7 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng loạt địa phương được điểm tên sử dụng sai nguồn 366 tỷ đồng; một số đơn vị chưa trích lập đủ nguồn cải cách tiền lương theo quy định với số tiền 2.145,7 tỷ đồng, trong đó tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu xếp đầu sổ với số tiền 1.840,7 tỷ đồng.

Sẽ tổ chức kiểm toán đối với loạt vấn đề được dư luận xã hội quan tâm

Theo KTNN, năm 2021, cơ quan này sẽ tập trung kiểm toán nhiều vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm như: Việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 08/4/2020; Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; việc thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019; quản lý giá điện, giá xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm…

Đọc thêm