Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước hơn 21.346 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông tin trên được đưa ra tại buổi công bố công khai Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2022 do Kiểm toán Nhà nước tổ chức chiều 2/7.
Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung thông tin tại họp báo.
Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung thông tin tại họp báo.

Có dự án chậm tiến độ tới 10 năm

Báo cáo Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2022, ông Vũ Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nêu một số kết quả.

Trong đó, về thu ngân sách nhà nước (NSNN), tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu các loại thuế, phí lệ phí, các khoản thu khác… vẫn diễn ra tại các đơn vị được kiểm toán. KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm 3.841 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông Vũ Ngọc Tuấn chỉ ra, công tác quản lý thu của cơ quan thuế còn hạn chế. Cụ thể, một số cơ quan thuế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế chưa đầy đủ; chưa kiểm tra đầy đủ các loại hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế lựa chọn kiểm tra tại cơ quan Thuế theo quy định; chưa phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử của các hộ, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất vẫn còn tình trạng đơn vị sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất; chưa thực hiện cho thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính; còn trường hợp cho thuê đất để thực hiện các dự án đã hết thời hạn thuê đất nhưng chưa lập thủ tục để trình UBND tỉnh cho phép gia hạn sử dụng đất hoặc thu hồi đất theo quy định…

Về quản lý nợ thuế, KTNN chỉ ra, tổng nợ thuế do cơ quan thuế quản lý (chưa bao gồm nợ dầu thô và nợ ngoài ngành thuế) đến 31/12/2022 là 158.914,7 tỷ đồng tăng 36% so với năm 2021. Một số địa phương không đạt chỉ tiêu thu nợ do Tổng cục Thuế giao.

Về chi NSNN, theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn, kết quả kiểm toán dự án thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty cho thấy, một số dự án không phát sinh giải ngân hoặc chậm giải ngân theo kế hoạch; hoàn thành nhưng chưa được nghiệm thu, chậm quyết toán; một số dự án chậm tiến độ, dừng, tạm dừng thi công còn tồn đọng chi phí dở dang lớn, chưa được xử lý dứt điểm…

Kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư cho thấy có nhiều tồn tại. Đáng chú ý, còn nhiều dự án chậm tiến độ, đặc biệt có trường hợp chậm trên 10 năm. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng của dịch COVID-19, không cân đối, bố trí đủ vốn, thay đổi điều chỉnh thiết kế, khan hiếm nguồn vật liệu; việc huy động máy móc thiết bị chưa đảm bảo.

Chuyển 40 vụ việc sang cơ quan điều tra

Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Trong đó, tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước của KTNN đối với niên độ ngân sách 2022 là 21.344,49 tỷ đồng, kiến nghị khác 28.586,29 tỷ đồng (chưa đủ thủ tục, chưa được quản lý, theo dõi, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các khoản ngoài ngân sách...).

Hình ảnh tại họp báo.

Hình ảnh tại họp báo.

Đồng thời rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản gồm 1 luật; 8 nghị định; 5 quyết định của Thủ tướng; 27 thông tư và 157 văn bản khác.

Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2023.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về số vụ việc đã được KTNN chuyển sang cơ quan điều tra cũng như việc phối hợp xử lý, Phó Tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung khẳng định, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN chủ yếu tập trung ở khía cạnh phòng ngừa và phát hiện các sai phạm, kiến nghị xử lý tăng thu - giảm chi NSNN cũng như kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách và chấn chỉnh trong công tác quản lý và sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản công.

“Nếu thông qua kết quả kiểm toán, KTNN phát hiện ra có những vấn đề liên quan đến dấu hiệu tội phạm thì KTNN sẽ kiến nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra để điều tra, làm rõ, xem xét, xử lý theo quy định”, bà Hà Thị Mỹ Dung cho hay.

Phó Tổng KTNN thông tin, qua hoạt động kiểm toán, hàng năm, KTNN đã cung cấp hàng trăm báo cáo kiểm toán cho Quốc hội, cho Ủy ban kiểm tra, cho các cơ quan điều tra để xem xét, xử lý và phục vụ cho công tác điều tra, kiểm tra và giám sát.

“Trong thời gian vừa qua, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp. Trong 40 vụ việc, đến nay, các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc, trong đó có 14 vụ việc đã khởi tố để điều tra, xử lý. Có những nội dung cũng cần tiếp tục xác minh trong thời gian tới và có một số nội dung trong một số vụ việc không khởi tố vụ án vì các sai phạm đến nay đã được xử lý”, Phó Tổng KTNN cho biết.

Bà Hà Thị Mỹ Dung cũng khẳng định, trong quá trình phối hợp của KTNN với các cơ quan để điều tra về các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật, KTNN nhận được sự phối hợp tích cực, kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan điều tra. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm ngay các vụ việc là rất khó vì thực tế có những vụ việc cần có thời gian để điều tra, xác minh.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi cho các bên việc xử lý các vụ việc chưa thể dứt điểm được. Thời gian tới, KTNN sẽ có các văn bản để công tác phối hợp được chặt chẽ hơn nữa.

Ngoài ra, Phó Tổng KTNN cho biết thêm, năm 2023, KTNN đã ban hành quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Đây là tài liệu rất quan trọng đối với KTNN, để khi trong quá trình kiểm toán, kiểm toán viên phát hiện ra có những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng hay dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ có quy trình kiểm toán riêng.

Đọc thêm