Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 52 nghìn tỷ đồng

(PLVN) - Tổng hợp sơ bộ đến ngày 31/8/2021 đối với 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật…

Sáng 14/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Trình bày Báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022 của KTNN, Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh cho biết, tính đến ngày 31/8/2021, KTNN đã triển khai 144/211 đoàn kiểm toán, kết thúc 108 đoàn (đạt 51% kế hoạch), phát hành 83 báo cáo kiểm toán, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều đoàn đang triển khai phải dừng thực hiện (37 đoàn).

Tổng hợp sơ bộ đến ngày 31/8/2021 đối với 91 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 52.095 tỷ đồng; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 67 văn bản pháp luật…

Quang cảnh phiên làm việc sáng 14/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quang cảnh phiên làm việc sáng 14/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, tổng hợp sơ bộ đến ngày 31/8/2021, các đơn vị đã thực hiện 30.834 tỷ đồng, đạt 49,9% số kiến nghị, thấp hơn cùng kỳ năm trước (55,9%) do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều đơn vị KTNN không kiểm tra trực tiếp theo dự kiến…

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, KTNN xác định Tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2022 trên tinh thần đổi mới toàn diện; tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội bộ, xử lý nghiêm những công chức có hành vi, thái độ nhũng nhiễu, vụ lợi, gây phiền hà đơn vị được kiểm toán, vi phạm kỷ luật công vụ…

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (UBTCNS) Nguyễn Phú Cường tán thành hoạt động kiểm toán tiếp tục được đổi mới; công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán cơ bản bám sát Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, bảo đảm tuân thủ pháp luật, chặt chẽ, công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, Thường trực UBTCNS đề nghị KTNN lưu ý xây dựng và ban hành Kế hoạch về phòng, chống tham nhũng đúng thời gian theo quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng (năm 2021, mãi đến ngày 9/6 mới ban hành là chậm), làm căn cứ triển khai nhiệm vụ của KTNN ngay từ những tháng đầu năm.

Thường trực UBTCNS cũng đề nghị KTNN cần khẩn trương xây dựng, ban hành ngay từ đầu năm các giải pháp, phân công, xác định lộ trình cụ thể để thực hiện thành công các phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Trong đó, đặc biệt lưu ý bổ sung dự báo tình hình năm 2022, nhất là các yếu tố tác động như dịch bệnh COVID-19, xây dựng các kịch bản tổ chức thực hiện kế hoạch KTNN năm 2022. Xây dựng kế hoạch kiểm toán cụ thể, lưu ý các kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động để phục vụ chuyên đề giám sát của Quốc hội…

Cơ bản nhất trí với Báo cáo của KTNN và các nội dung Thường trực UBTCNS đã chỉ ra, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, KTNN cần tập trung kiểm toán các chuyên đề phục vụ cho công tác phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội. Bên cạnh đó, chú ý vấn đề huy động, sử dụng các nguồn lực phục vụ cho phòng, chống dịch và đánh giá việc thực hiện các chính sách, các gói cứu trợ và phân bổ, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, việc chuyển nguồn ngân sách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, KTNN tập trung kiểm toán phục vụ 2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, bám sát kế hoạch đề cương giám sát được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt để xác định nhiệm vụ và kịp thời tổ chức kiểm toán, tổng hợp kết quả kiểm toán, đảm bảo thời gian để Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ giám sát…

Đọc thêm