Kiểm toán Nhà nước: Năm 2020, xử lý tài chính gần 60 nghìn tỷ đồng

(PLVN) - Tổng hợp đến ngày 31/12/2020, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện được 59.332 tỷ đồng/80.791 tỷ đồng được kiến nghị, đạt 73,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2019 với 71,8%. Đây là một thông tin được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021, ngày 5/1.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành trình bày Báo cáo tại Hội nghị.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành trình bày Báo cáo tại Hội nghị.

Báo cáo tổng kết năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021 KTNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành nhấn mạnh, năm 2020, KTNN đã quyết liệt thực hiện chủ trương cắt giảm số cuộc kiểm toán, cắt giảm quy mô, rút ngắn thời gian kiểm toán so với năm 2019 (cắt giảm 30% về cả số cuộc kiểm toán và số lượng đầu mối, đơn vị hoặc chủ đề kiểm toán) để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán.

Năm 2020, KTNN đã thực hiện 174 cuộc kiểm toán, trong đó 158 cuộc theo phân giao kế hoạch đầu năm, bổ sung 22 cuộc và 06 cuộc điều chỉnh giảm theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và đề nghị của các đơn vị có liên quan; tổ chức thành 188 đoàn kiểm toán.

Ông Thành cho hay, mặc dù trong điều kiện của dịch bệnh Covid-19, song đến 31/12/2020, toàn ngành đã triển khai 186/188 đoàn kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 183/186 đoàn kiểm toán đã triển khai (3 đoàn kiểm toán bổ sung chưa kết thúc). Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến 31/12/2020 là 59.628 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 4.965 tỷ đồng, giảm chi NSNN 13.836 tỷ đồng, kiến nghị khác là 40.827 tỷ đồng.

Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 119 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.

Qua kiểm toán, KTNN cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, như: cơ chế quản lý và sử dụng nguồn tích lũy tài chính công đoàn, thực hiện hợp đồng BT, BOT; công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng...

Bên cạnh việc triển khai hoạt động kiểm toán, Tổng KTNN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Tổng hợp đến ngày 31/12/2020, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 59.332 tỷ đồng/80.791 tỷ đồng theo kiến nghị, đạt 73,4%, cao hơn cùng kỳ năm 2019 với 71,8%.

Ông Thành nhấn mạnh, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, KTNN xác định năm 2021 tập trung nâng cao năng lực, đổi mới tổ chức hoạt động kiểm toán; tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu…

KTNN sẽ tăng cường đào tạo nhân lực, tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN và phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. 

Đọc thêm