Kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác THADS

(PLO) - Theo Quyết định số 15/QĐ/BCĐ ngày 30/6/2016 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy về việc thành lập Đoàn kiểm tra về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đầu tháng 8/2016 Đoàn kiểm tra số 1 do đồng chí Nguyễn Quang Huy, Ủy viên Ban Thường vụ (UVBTV), Phó Trưởng ban Thường trực Chỉ đạo Cải cách tư pháp, Trưởng ban Nội chính Thành ủy làm Trưởng đoàn đã thực hiện kiểm tra các đơn vị: Quận ủy Long Biên, Đống Đa; Huyện ủy Thạch Thất, Ứng Hòa.
Kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác THADS

Đoàn kiểm tra đánh giá lãnh đạo các quận, huyện ủy được kiểm tra luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác THADS, xác định công tác THADS là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, gắn công tác THADS với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô; chủ động nắm tình hình, tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố triển khai thực hiện hiệu quả công tác THADS trên địa bàn thành phố gắn với thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.

Hàng năm, UBND quận, huyện, thị luôn có ý kiến đối với Kế hoạch, Chương trình công tác THADS theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức quán triệt các văn bản pháp luật mới về THADS, ban hành nhiều văn bản triển khai công tác THADS.

Thường trực Quận ủy, Huyện ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Quận, Huyện ủy thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo THADS và ban hành quy chế hoạt động trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của các thành viên; hàng năm có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan THADS trong việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và trang, thiết bị cần thiết phục vụ công tác THADS; thường xuyên phối hợp với cơ quan quản lý THADS cấp trên trong công tác quản lý, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan THADS có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ và có tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Chi cục THADS chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi hành án; công tác tự kiểm tra nghiệp vụ thi hành án được đơn vị thường xuyên thực hiện. Hàng năm lãnh đạo Chi cục đều yêu cầu chấp hành viên lập kế hoạch tổ chức thi hành án các vụ việc, lập danh sách rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án, thực hiện việc kiểm tra tính chính xác của việc phân loại và xây dựng kế hoạch để báo cáo Ban Chỉ đạo THADS và Cục THADS thành phố; công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án thực hiện tốt; công tác luân chuyển, điều động, kiện toàn tổ chức bộ máy thi hành án thực hiện có hiệu quả; việc tiếp nhận bản án và thụ lý, ra quyết định thi hành án đảm bảo đúng quy định của pháp luật; công tác tuyên truyền pháp luật về THADS được chú trọng...

Tuy nhiên, về kết quả thi hành án 9 tháng năm 2016 nhiều đơn vị đạt thấp, đặc biệt là tỉ lệ thi hành về giá trị chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội, Bộ Tư pháp và Cục THADS giao; số việc có điều kiện thi hành chuyển năm sau, đặc biệt là số tiền phải thi hành án chuyển sang năm sau lại tăng dần theo từng năm. Vẫn còn một số vụ việc tồn đọng nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.

Kết luận chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Quang Huy,  UVBTV, Phó Trưởng ban Thường trực Chỉ đạo cải cách tư pháp, Trưởng ban Nội chính Thành ủy yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Đẩy mạnh thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của cơ quan THADS; xác định công tác THADS là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, gắn công tác THADS với việc đảm bảo an ninh trật tự ở từng địa phương.

Tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Điều 106 Hiến pháp 2013, bảo đảm “Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được nghiêm chỉnh chấp hành”; tổ chức thi hành tốt Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS và các Bộ luật, Luật vừa được sửa đổi như Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tố tụng Hành chính, bảo đảm các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành phát huy hiệu quả sâu, rộng trong thực tiễn, tạo chuyển biến căn bản trong công tác THADS; chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 107/2015/QH13 của Quốc hội.

 Phối hợp xây dựng và tổ chức thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống THADS với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác THADS, thi hành án hành chính, đặc biệt là tăng cường phối hợp liên ngành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và các án tồn động trong THADS. Cơ quan THADS hai cấp tập trung làm tốt chức năng, nhiệm vụ, các quy định của Luật THADS.

Duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng mối quan hệ phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan Thi hành án hình sự hai cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác THADS; thực hiện tốt quy chế phối hợp mà các bên đã ký kết; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về công tác THADS. 

Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy cơ sở trong việc THADS và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp thành phố nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Đọc thêm