Biện pháp “quá mức, không cần thiết”?
Ngày 19/2/2021, VASEP gửi Văn bản số 14/CV-VASEP tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Vụ Pháp chế và Cục Thú y góp ý Thông tư thay thế Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT - kiến nghị không đưa các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật thuỷ sản vào Danh mục kiểm dịch theo Luật Thú y.
Theo VASEP, nhiều sản phẩm chế biến từ động vật - sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) vẫn đang tiếp tục thuộc danh mục phải kiểm dịch (theo Luật Thú y) là chưa phù hợp.
“Việc duy trì mở rộng các đối tượng/danh mục “hàng chế biến” phải kiểm dịch như Dự thảo là biện pháp quá mức và không cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế hiện hành” - ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP khẳng định.
Trong khuôn khổ mục tiêu thực hiện các Nghị quyết cải cách của Chính phủ (Nghị quyết 19/2018, Nghị quyết 19/2017, Nghị quyết 02/2020 và Nghị quyết 02/2021) và các nghiên cứu, đánh giá của mình, VASEP tiếp tục kiến nghị Bộ NN&PTNT không đưa các sản phẩm thuỷ sản chế biến từ động vật - sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh…) vào danh mục phải kiểm dịch (bệnh) theo Luật Thú y, trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh. Các sản phẩm chế biến kể trên chỉ chịu kiểm soát theo các quy định của Luật An toàn thực phẩm (ATTP).
Bất cập pháp lý
Theo quy định tại Luật Thú y, các loại sản phẩm hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục phải kiểm dịch động vật chỉ bao gồm động vật, sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản có trong danh mục. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thú y, “sản phẩm động vật” chỉ bao gồm các bộ phận, các phần của cơ thể động vật, thủy sản.
Luật Thú y không quy định sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật” hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuộc diện phải kiểm dịch động vật.
Chương 3 Luật ATTP về “Điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm” cũng chỉ quy định thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật mới phải có chứng nhận vệ sinh thú y của cơ quan thú y (Điều 11). Đối với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn chỉ phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường (Điều 12).
Tuy nhiên, các văn bản dưới Luật (Thông tư 26/2016/TT-BNN và Thông tư 36/2018/TT-BNN đối với thuỷ sản của Bộ NN&PTNT) quy định về kiểm dịch đối với “sản phẩm động vật” đang được giải thích và áp dụng theo hướng sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật” hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (kể cả loại bao gói sẵn) đều thuộc diện phải kiểm dịch động vật.
“Hay nói cách khác, khái niệm “sản phẩm động vật” đã được mở rộng quá mức quy định tại Luật Thú y. Chính vì thế, chúng tôi thấy các “tiêu chí” và danh mục bao trùm rộng như này cũng đã được đưa vào cột chỉ định “kiểm dịch” trong Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT…”- Văn bản của VASEP đề cập.
Một điểm bất cập nữa, theo VASEP là khoản 3 Điều 3 Luật Thú y đưa “sơ chế” và “chế biến” vào chung một khái niệm. Trong khi, đây vốn là hai khái niệm với các nội hàm rất khác nhau. Theo Điều 2 Luật ATTP, khái niệm “chế biến” được quy định tại khoản 4 khác hoàn toàn với khái niệm “sơ chế” được quy định tại khoản 16.
“Việc mở rộng khái niệm “sản phẩm động vật” của các văn bản dưới Luật kể trên và không có sự phân biệt rõ với khái niệm “sơ chế, chế biến” như đã nêu là nguyên nhân quan trọng làm tăng diện hàng hóa phải kiểm dịch động vật, cản trở nỗ lực cắt giảm danh mục hàng hóa, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành…” - Tổng Thư ký VASEP chỉ rõ.
* Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP:
Trả lại tên cho kiểm dịch sản phẩm chế biến
VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT không đưa hoạt động kiểm tra nhập khẩu các sản phẩm thuỷ sản chế biến từ động vật - sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” (đông lạnh, hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền,…) dùng làm thực phẩm cho người vào danh mục có tên là “kiểm dịch” - trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh.
Việc nhập khẩu các sản phẩm chế biến kể trên để dùng cho người đã và đang được Cục Thú y kiểm tra nhập khẩu theo các chỉ tiêu ATTP là đúng cơ sở khoa học, pháp lý và thông lệ quốc tế - cần được trả lại đúng tên, đúng khái niệm, đúng quy định trong các Thông tư liên quan của Bộ NN&PTNT – đó là kiểm tra nhà nước về ATTP, không phải là kiểm dịch như đã được “mang tên” trong các Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT, 26/2016/TT-BNNPTNT và 18/2018/TT-BNNPTNT.
Và khi đó, việc kiểm tra ATTP phải thực hiện theo đúng Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật ATTP 2010.
* Theo TS Nguyễn Đình Cung, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT đã mở rộng phạm vi kiểm dịch quá mức cần thiết, ảnh hưởng đến hoạt động của DN, nhất là không phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành của Chính phủ. Chuyên gia này cũng cho rằng mục địch kiểm dịch chỉ nên tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao, chỉ nên áp dụng với sản phẩm tươi sống, còn sản phẩm đã chế biến thì nên áp dụng kiểm soát ATTP theo Luật ATTP.