Kiện doanh nghiệp bội tín

(PLO) - Bà Nguyễn Thị Hồng (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) hỏi: Doanh nghiệp của tôi có quan hệ làm ăn về mua bán thép với một doanh nghiệp tại TP HCM gần 10 năm. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, doanh nghiệp này có dấu hiệu bội tín, không đàng hoàng như giao hàng chậm, chất lượng thép không đạt yêu cầu... Tôi muốn khởi kiện doanh nghiệp này ra tòa án đòi phạt hợp đồng, đòi bồi thường thiệt hại và tiền lãi của khoản tiền bồi thường thiệt hại có được không?
Kiện doanh nghiệp bội tín

Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy) trả lời: Do doanh nghiệp của bà và doanh nghiệp tại TP HCM đều là doanh nghiệp Việt Nam, ký hợp đồng để tiến hành hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lợi nên luật điều chỉnh là Luật Thương mại năm 2005. Nay bà muốn khởi kiện doanh nghiệp tại TP HCM ra tòa án thì điều đầu tiên là phải xem xét các điều khoản của hợp đồng thương mại giữa 2 bên được thiết lập như thế nào, quy định có đúng luật thương mại không?

Về phạt hợp đồng, bà chỉ được quyền phạt hợp đồng nếu trong hợp đồng đã ký có thỏa thuận việc này. Ngược lại, nếu trong hợp đồng không quy định việc phạt hợp đồng thì bà không được yêu cầu phạt hợp đồng. 

Điều 300 Luật Thương mại quy định về phạt vi phạm: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này”.

Điều 301 Luật Thương mại quy định về mức phạt vi phạm: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này”

Cần lưu ý là mức phạt hợp đồng trong luật thương mại không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Vì vậy, để yêu cầu chính xác số tiền phạt hợp đồng, việc đầu tiên bà cần tính toán là tính đúng phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm là bao nhiêu tiền.

Về yêu cầu bồi thường thiệt hại thì bà hoàn toàn có quyền yêu cầu doanh nghiệp tại TP HCM bồi thường. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ 3 yếu tố: có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Ngoài ra, bà còn phải có trách nhiệm chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng của doanh nghiệp tại TPHCM gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên doanh nghiệp của bà đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm của doanh nghiệp tại TPHCM. 

Điều 302 Luật Thương mại quy định về bồi thường thiệt hại: “1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. 2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”.

Căn cứ quy định Điều 302 nói trên, nếu bà yêu cầu đòi tiền lãi của khoản tiền bồi thường thiệt hại sẽ không được tòa án chấp nhận vì Điều 302 Luật Thương mại năm 2005 không quy định vấn đề này.

Đọc thêm