Kiên Giang chủ động tiếp cận phục vụ người được trợ giúp pháp lý

(PLVN) -Triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) và Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT, Trung tâm TGPL nhà nước Kiên Giang đã phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT), đảm bảo gần như 100% người được TGPL trong các vụ án không phải lặn lội đi làm thủ tục TGPL. Số vụ việc bào chữa, bảo vệ năm 2019 cũng vì thế mà tăng 67% so với cùng kỳ năm 2018.

Triển khai, phối hợp chặt chẽ 

Trước khi có Luật TGPL số 11/2017/QH14, các Bộ luật, luật về tố tụng năm 2015 cũng đã có quy định về trách nhiệm của người có thẩm quyền THTT phải đảm bảo quyền được TGPL cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại và đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Tuy nhiên, biện pháp đảm bảo này chỉ rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ khi 06 bộ, ngành ở Trung ương ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 Quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. 

Căn cứ Khoản 5, Điều 3 Thông tư 10, Trung tâm đã ban hành nhiều văn bản về phối hợp thực hiện TGPL ngay sau khi văn bản này có hiệu lực ngày 01/9/2018. TAND tỉnh, VKSND tỉnh cũng kịp thời ban hành Công văn chỉ đạo ngành mình về triển khai, thi hành Thông tư 10. Đồng thời, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh và Tổ giúp việc cũng được kiện toàn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới về TGPL. 

 

Trên cơ sở Kế hoạch triển khai thi hành Thông tư 10, Hội đồng phối hợp liên ngành tiếp tục tổ chức Hội nghị tập huấn về Luật TGPL năm 2017 và Thông tư này cho 136 đại biểu là lãnh đạo các CQCSĐT, TAND, VKSND cấp tỉnh và cấp huyện. Ngoài ra, kết hợp với việc tham gia tố tụng, lãnh đạo Trung tâm còn giúp CQCSĐT 06 huyện, thị, thành phố triển khai, tập huấn Thông tư 10 cho đội ngũ cán bộ điều tra. Đối với người THTT và những huyện còn lại chưa có điều kiện tập huấn chuyên sâu, người thực hiện TGPL cũng đã có trao đổi trực tiếp về trình tự, thủ tục, phối hợp TGPL theo tinh thần Thông tư 10 khi tham gia tố tụng trong các vụ án. 

Công tác truyền thông về TGPL, với nhiều hình thức phong phú qua Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, chuyên mục Báo Kiên Giang, Cổng thôn tin điện tử của Trung tâm, Bảng thông tin TGPL, phổ biến trực tiếp và tập huấn về TGPL tại 16 xã nghèo, xã bãi ngang ven biển cho 718 lãnh đạo ấp và hòa giải viên. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Trung tâm còn cung cấp hàng chục ngàn biểu mẫu và Sổ theo dõi về TGPL cho các CQTHTT, giúp Hội đồng phối hợp kiểm tra liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở huyện Vĩnh Thuận và thành phố Hà Tiên. 

Gần 100% vụ việc TGPL do CQTHTT thông báo, thông tin

Trước đây, việc phát hiện, phổ biến quyền được TGPL chủ yếu được thể hiện trong biên bản lấy lời khai của bị can, bị cáo, đương sự nhưng cũng không có cơ chế nào kiểm soát. Việc yêu cầu TGPL, do người được TGPL hoặc người thân thích của họ phải lặn lội đến Trung tâm để làm thủ tục TGPL. Nhưng, từ khi thi hành Thông tư 10, ngay từ khâu thụ lý đầu vào các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, người có thẩm quyền THTT ở tỉnh Kiên Giang đã rà soát diện người được TGPL qua Bản thông tin về người được TGPL (Mẫu số 01); giải thích quyền được TGPL bằng Biên bản (Mẫu số 02). Việc thu thập giấy tờ chứng minh diện người được TGPL, làm Đơn yêu cầu TGPL, Thông báo về TGPL (Mẫu số 03), Thông tin về TGPL (Mẫu số 04) gửi cho Trung tâm TGPL nhà nước cũng được người THTT thực hiện. Sau khi nhận được Thông báo hoặc Thông tin, Trung tâm phân công Trợ giúp viên/Luật sư chủ động tiếp cận, hoàn tất các thủ tục về TGPL (nếu có) và tham gia tố tụng để bào chữa/bảo vệ cho người được TGPL. 

 

Qua thời gian triển khai thi hành Thông tư số 10, đến nay gần 100 % các vụ việc TGPL ở Kiên Giang người yêu cầu TGPL không phải đến Trung tâm để làm thủ tục về TGPL. Số lượng vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng (từ ngày 01/01/2019 đến ngày 15/10/2019) cũng vì thế mà tăng lên 349 vụ, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2018 (141 vụ), trong đó hình sự tăng 70 vụ, dân sự tăng 63 vụ. Chất lượng vụ việc tham gia tố tụng cũng không hề thua kém dịch vụ do luật sư cung cấp cho khách hàng, điển hình như trong tố tụng hình sự có 05 vụ bị cáo được chuyển tội danh nhẹ hơn hoặc xử dưới mức án thấp nhất mà VKS đề nghị, số còn lại hầu hết hình phạt bằng với mức án thấp nhất mà VKS đề nghị. Trong tố tụng dân sự và đại diện ngoài tố tụng, quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL được bảo vệ, chẳng hạn như: vụ bà N.T.M là người có công với cách mạng ở RG đã đòi lại được 48 m2 đất là lối đi do người hàng xóm lấn chiếm, khiếu nại bước đầu đã giảm được gần 800 triệu đồng tiền sử dụng đất khi làm GCNQSDĐ cho 97m2 đất mua từ tháng 4/1993 (vụ việc chưa kết thúc); vụ bà N.H.P ở huyện GQ có khả năng 100% được “minh oan” là thương binh giả, sau khi Trung tâm TGPL nhà nước tìm được 03 nhân chứng công tác chung đơn vị trong Kháng chiến cách nay 50 năm chứng kiến bị thương (vụ việc đang thụ lý giải quyết khiếu nại lần 2).

Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 9/11/2019, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Kiên Giang bằng những việc làm thiết thực, cụ thể để Luật TGPL đi vào cuộc sống theo đúng tinh thần chủ động, phục vụ dân. 

Đọc thêm