Nghiêm túc lắng nghe những vướng mắc
Báo cáo trước Đoàn công tác, ông Hồ Văn Dũng, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Giồng Riềng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công tác tư pháp tại địa phương đã bám sát các kế hoạch, nhiệm vụ của Sở Tư pháp giao. Nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản của các cấp liên quan, tham mưu UBND huyện tổ chức với hình thức lòng ghép các cuộc họp triển khai, quán triệt thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác tư pháp.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Bên cạnh đó, kịp thời đề xuất UBND huyện ban hành nhiều kế hoạch nhằm thực hiện sâu sát nhiệm vụ tư pháp; quan tâm công tác kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 38 công chức được tăng cường năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật gần 200 lượt với hơn 11.000 lượt người tham dự.
Bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác tư pháp tại địa phương còn tồn tại một số hạn chế như: Việc triển khai các văn bản, nhất là các đạo luật mới từng lúc, từng nơi chưa đạt yêu cầu; công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, việc thực hiện các thủ tục hành chính đôi lúc còn sai sót.
Tại buổi làm việc, nhiều cán bộ ngành tư pháp tại địa phương đã mạnh dạn bày tỏ những mặt tồn đọng từ thực tiễn trong quá trình thực hiện công tác tư pháp như: Chứng thực trong vai vốn ngân hàng của người dân có điểm bất cập; kinh phí cho hòa giải viên tại cơ sở còn thấp; khó khăn trong công tác xử lý vi phạm hành chính…
Giải đáp khó khăn, làm tốt vai trò “người gác cổng”
Chia sẻ những khó khăn của công tác tư pháp tại địa phương, đại diện Đoàn công tác cho rằng, công tác quản lý xử phạt vi phạm hành chính là lĩnh vực rất rộng, khối lượng công việc rất lớn nên cần có sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp. Thường xuyên trao đổi, tham mưu cấp trên theo thẩm quyền để kịp thời được hướng dẫn nhằm tránh xảy ra sai xót.
Liên quan đến việc vay vốn ngân hàng người dân chọn làm thủ tục chứng thực ở UBND cấp xã nhưng không được chấp nhận. Về vấn đề này, đại diện Thanh tra Sở Tư pháp giải đáp: Theo quy định, người yêu cầu chứng thực được quyền lựa chọn tổ chức, cơ quan có chức năng chứng thực. Tuy nhiên, phía ngân hàng cũng có quyền tương tự. Vậy nên, trong trường hợp này, ngân hàng là đơn vị cho vay nên nằm ở thế chủ động, còn người dân bị phụ thuộc. Sở Tư pháp sẽ ghi nhận và tham mưu với UBND tỉnh nhằm tìm phương án phối hợp để lợi ích chính đáng của người dân được đảm bảo.
Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang Lâm Minh Công trực tiếp trao đổi, tháo gỡ khó khăn, đề ra phương hướng hoạt động trọng tâm trong thời gian tới. |
Kế đó, quan tâm xây dựng kiểm tra, xây dựng văn bản pháp luật. “Người xây dựng văn bản, tham mưu công tác tư pháp phải am hiểu kiến thức, nắm chắc pháp luật có như vậy pháp luật mới có chiều sâu và đi vào đời sống người dân”, người đứng đầu Ngành Tư pháp tỉnh nhấn mạnh.
Nói về định hướng trong thời gian tới, ông Lâm Minh Công đề nghị các cấp ngành liên quan thực hiện tốt công tác phối hợp, bám sát các nhiệm vụ của công tác tư pháp có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường công tác xây dựng và kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi sát sau việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cũng như quản lý tốt việc đăng ký và quản lý hộ tịch, công tác chứng thực.
Ngoài ra, “tư lệnh” Ngành Tư pháp tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý kết hôn có yếu tố nước ngoài. “Nhiều trường hợp người nữ chỉ vừa đủ 18 tuổi nhưng lại đăng ký kết hôn với người nước ngoài chừng 70 tuổi. Tuy nước ta chưa có chế tài, nhưng nếu có căn cứ môi giới kết hôn trái pháp luật thì phải nhanh chóng xác minh, thậm chí phối hợp lực lượng công an vào cuộc để làm rõ”, ông Công Lưu ý