Con nối bước mẹ đi tìm công lý
Ngày 22/5, TAND huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đưa ra xét xử sơ thẩm vụ việc “Tranh chấp đất quyền sử dụng đất” diện tích hơn 1,4 ha, giữa nguyên đơn là hai chị em: bà Phùng Thị Xuân Giang (SN 1965) và bà Phùng Thị Xuân Nghi (SN 1966) với bị đơn là ông Lê Văn Huỳnh (SN 1930).
Lật lại hồ sơ vụ việc, phần đất tranh chấp trên được gia đình bà Trương Thị Mười (SN 1939) canh tác từ năm 1962 do anh rể và chị ruột là ông Nguyễn Văn Kế và bà Trương Thị Trang cho lại. Đến năm 1971, bà Mười được chính quyền chế độ cũ cấp giấy xác nhận đất theo chính sách “Người cày có ruộng”; trong suốt quá trình canh tác trước và sau năm 1975, bà Mười thực hiện nghĩa vụ thuế và còn lưu lại biên lai.
Đến năm 1983, do thực hiện chủ trương Tập đoàn hóa đất sản xuất gia đình bà Mười bị cắt xâm canh. Đến năm 1990, Tập đoàn tan rã phần đất trên bị ông Huỳnh đã chiếm cho đến bây giờ. Từ năm 1991 bà Mười đã làm đơn gửi đến chính quyền địa phương nhưng chẳng thấy giải quyết, mãi đến lúc bà mất 5/2005 sự việc vẫn chưa tới đâu.
Nối gót mẹ, hai chị em Giang và Nghi tiếp tục hành trình gõ cửa cầu cứu các cơ quan chức năng để đòi lại phần đất. Đến ngày 26/4/2010, bà Giang đã gửi đơn đến TAND huyện Giồng Riềng, thế nhưng mãi đến ngày 27/4/2017 mới mở phiên tòa sơ thẩm nhưng lại bị hoãn.
Trước đó, trong biên bản hòa giải ngày 11/12/2008 tại UBND xã Hòa Lợi, ông Huỳnh Văn Thuận - Trưởng ban lãnh đạo ấp Hòa B, xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riêng đã xác nhận: “Năm 1983 tôi giữ chức vụ Tài chính ấp có trực tiếp thu thuế nông nghiệp của bà Trương Thị Mười với diện tích là 18,5 công (2ha toàn bộ diện tích) có diện tích đang tranh chấp là đất của bà Trương Thị Mười đưa vào Tập đoàn, cho nên phải trả phần đất nêu trên cho bà Mười là đúng”.
Chẳng biết vì, trong khi đất đang bị tranh chấp nhưng năm 18/9/1995, UBND huyện Giồng Riềng cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất diện tích 7.312m2, thuộc thửa đất 262, tờ bản đồ số 14; cho con gái ông Huỳnh là Lê Thị Tuyết trên phần đất đang tranh chấp.
|
Các biên lai đóng thuế ruộng đất và giấy chứng nhận đất của bà Mười. |
Quan tòa “lập lờ” trong khâu lấy ý kiến
Tại phiên tòa, đại diện bị đơn là ông Lê Văn Cường (con của ông Huỳnh) cho rằng: Vào năm 1960 ông Tư Hậu (Lê Văn Hậu) có cho cha anh ở đậu và mượn 5 công đất ruộng, sau đó gia đình ông Tư Hậu có mâu thuẫn nhà kế bên dẫn đến đâm chém.
Vì sợ thù oán nên ông Tư Hậu thống nhất bán gia đình số đất này cho cha anh diện tích 15 công với giá 140 giạ lúa việc thỏa thuận này địa phương có nhiều người biết gia đình canh tác đến năm 1968 do chiến tranh ác liệt nên ông bỏ đất một thời gian. Sau khi Tập đoàn tan rã thì ông Huỳnh được ấp cấp đất.
Luật sư Trần Văn Thạch - thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng bảo vệ quyền lợi cho bị đơn cho rằng: Nhà nước không cho đòi lại đất trong quá trình thực hiện chính sách ruộng đất. Đồng thời, vị luật sư này cho rằng, ấp đã trao đất cho ông Huỳnh nên pháp luật cần công nhận. “Ấp có phải là một cấp chính quyền có quyền giao đất không?” câu hỏi lẽ ra những người làm công tác xét xử phải biết rõ.
Đại diện VKSND huyện Giồng Riêng cho rằng: Thẩm phán còn vi phạm thời gian tố tụng và chưa tổ chức các phiên họp cho các đương sự liên quan; vi phạm Điều 216 và điều 203 của Bộ Luật Tố tụng dân sự.
Thay mặt HĐXX thẩm phán Lê Văn Hồng Chinh đã tuyên bác bỏ toàn bộ đơn khởi kiện của nguyên đơn. Bức xúc trước kết quả xét xử, bà Giang cho biết: “Chẳng hiểu tại sao tòa lại không mời, lấy ý kiến hai người hai bên, kế cận ganh đất đang tranh chấp biết rõ về nguồn gốc đất mà lại ý kiến cháu ngoại của chủ đất ngày trước không biết gì và những người ở đâu đâu”.
Nói về nguồn gốc phần đất tranh chấp, ông Trần Hồng Hải (người dân có đất liền kề với phần đất bị tranh chấp cho biết: “Phần đất này có nguồn gốc dài dòng lắm! Ông Tư Hậu bỏ xứ đi đến 1961 mới bán cho ông sáu Kế (Nguyễn Văn Kế) 140 giạ lúa.
Thực hiện chính sách nhường cơm xẻ áo ông Kế đã cho lại bà Mười (10 công) và ông Cao Văn Bòn (5 công); bà Mười canh tác trên phần đất tranh chấp cho đến năm 1983 đưa vào Tập đoàn. Sau đó, ông Huỳnh về xin canh tác trên đất tập đoàn, đến khi xóa Tập đoàn ông Huỳnh chiếm luôn không trả lại, dẫn đến kiện cho tới ngày hôm nay”. Thế nhưng thông tin quan trọng trên, HĐXX đều “lờ” đi và không tiến hành thẩm tra cũng như mời nhân chứng cung cấp thông tin.