Kiên Giang: Nhiều kết quả khả quan từ Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Kiên Giang đến ngày 30/11/2023, đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt...
Ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang trao quà cho người dân Khmer có uy tín ở địa phương. (Ảnh: Khánh Thuỳ)
Ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang trao quà cho người dân Khmer có uy tín ở địa phương. (Ảnh: Khánh Thuỳ)

Tỉnh Kiên Giang có khoảng 261.200 người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 14,94% dân số của tỉnh; trong đó, đồng bào Khmer chiếm hơn 13%. Việc chăm lo cuộc sống cho đồng bào DTTS và quản lý địa bàn có dân tộc sinh sống được lãnh đạo UBND tỉnh quan tâm, đưa ra nhiều phương án thiết thực, hiệu quả.

Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho đồng bào

Thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS, trong đó có chính sách về đất ở, nhà ở bắt đầu từ năm 2021 đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều dự án. Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 là 446.627,8 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương 388.372 triệu đồng, ngân sách địa phương 58.255,8 triệu đồng.

Ông Danh Phúc - Trưởng Ban dân tộc Kiên Giang phát biểu về công tác dân tộc ở địa phương. (Ảnh: Khánh Thuỳ)

Ông Danh Phúc - Trưởng Ban dân tộc Kiên Giang phát biểu về công tác dân tộc ở địa phương. (Ảnh: Khánh Thuỳ)

Ông Danh Phúc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, hỗ trợ hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Tiến tới đạt 90% hộ DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức của địa phương. Theo đó sẽ được hỗ trợ đất sản xuất (có thể hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề).

Từ kết quả thực hiện các mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình. Số hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm qua từng năm. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 1.631 Hộ nghèo là đồng bào Khmer, giảm 854 hộ So năm 2022. Hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình được ban hành đầy đủ. Ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 (vốn đầu tư) và năm 2021, 2022, 2023 thực hiện Chương trình đã được phân bổ để thực hiện.

HĐND, UBND các cấp đã nỗ lực, quyết liệt triển khai thực hiện Chương trình. Người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương.

Hằng năm, Ban có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; thường xuyên chỉ đạo theo dõi, nắm tình hình việc triển khai Chương trình để có biện pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Qua đó nhằm chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế thiếu sót.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Ban sẽ tăng cường công tác phối hợp trong triển khai thực hiện Chương trình. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm cho các đối tượng trực tiếp thực hiện Chương trình. Đồng thời, tổ chức phân định địa bàn vùng dân tộc thiểu số theo trình độ phát triển đúng theo tiêu chí qui định của trung ương để ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho phù hợp.

Song song đó, triển khai có hiệu quả chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ; chính sách chuyển đổi ngành, nghề, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng DTTS.

Trưởng Ban dân tộc tỉnh cũng khẳng định, các ban ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; Cũng như đoàn viên, hội viên các đoàn thể và Nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Trong đó ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách dân tộc, nhằm khẳng định rằng, việc triển khai thực hiện tốt Chương trình là góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung.

Đời sống người dân Khmer ở huyện Châu Thành (Kiên Giang) đã thay đổi mạnh mẽ và có cuộc sống ổn định. (Ảnh: Khánh Thuỳ)

Đời sống người dân Khmer ở huyện Châu Thành (Kiên Giang) đã thay đổi mạnh mẽ và có cuộc sống ổn định. (Ảnh: Khánh Thuỳ)

Người có uy tín tham gia tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững

Là địa phương có nhiều đồng bào thiểu số sinh sống, nên lực lượng Người có uy tín được tỉnh xác định là cánh tay nối dài, là sợi dây kết nối giữa chính quyền địa phương và đồng bào.

Thời gian qua, vai trò Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ngày càng được phát huy, góp phần cùng cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, trong đó có công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về các chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.

Lực lượng Người có uy tín năm 2023, có 285 người. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc và thực hiện công tác hỗ trợ đồng bào DTTS thúc đấy sản xuất, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo nhanh, bền vững, . Đồng thời, người có uy tín tham gia tốt phong trào an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an toàn vùng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Không những thế, người có uy tín luôn tích cực hoạt động trong xóm, ấp để nắm bắt tình hình dư luận trong xã hội: Kịp thời động viên, hỗ trợ người nghèo gặp khó khăn, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, không nghe theo các phần tử xấu tuyên truyền xuyên tạc, âm mưu diễn biến hòa bình, làm mất an ninh trật tự.

Đại tá Huỳnh Văn Đông (người thứ ba từ phải sang) - chính uỷ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Kiên Giang, trao quà cho người dân tộc thiểu số sinh sống và làm việc ở địa phương. (Ảnh: Khánh Thuỳ)

Đại tá Huỳnh Văn Đông (người thứ ba từ phải sang) - chính uỷ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Kiên Giang, trao quà cho người dân tộc thiểu số sinh sống và làm việc ở địa phương. (Ảnh: Khánh Thuỳ)

Qua những hoạt động vì cộng đồng, nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc đã trở thành điển hình tiên tiến, tấm gương sáng ở địa phương. Với uy tín của mình, các vị đã tranh thủ vận động hàng chục tỷ đồng thực hiện nhiều công trình an sinh xã hội như: Xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, xây nhà đại đoàn kết cho người nghèo, hướng dẫn đồng bào trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả phát triển kinh tế gia đình,…

Người có uy tín đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào nơi cư trú tham gia công tác tự quản, tự phòng, tham gia cuộc vận động “thực hiện chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững”; Tăng cường đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Đây là cơ sở để thực hiện tốt hơn nữa chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cũng như vận động đồng bào bảo vệ trật tự an ninh xã hội ở địa phương chống lại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững trong vùng đồng bào DTTS.

Đọc thêm