Kiên Giang: Tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực ĐBSCL

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kiên Giang trong quý I, 2023 đạt 6,25%, xếp thứ 4/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và thứ 26/63 cả nước, hầu hết các ngành, lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục đà phục hồi tốt.
Kiên Giang: Tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực ĐBSCL

Sáng ngày 31-3, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành chủ trì cuộc họp thành viên Ủy ban thường kỳ quý I, năm 2023, cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn và Nguyễn Lưu Trung.

Quang cảnh cuộc họp thành viên Ủy ban thường kỳ quý I/2023.

Quang cảnh cuộc họp thành viên Ủy ban thường kỳ quý I/2023.

Tốc độ phát triển kinh tế ổn định, phát triển khá

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2023 tiếp tục ổn định và có bước phát triển khá trong hầu hết các ngành, lĩnh vực. GRDP quý I ước khoảng 20.107 tỷ đồng, đạt 27,59% kế hoạch, tăng 6,25% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng giá trị tăng thêm ước tính: Khu vực I đạt 9.419,8 tỷ đồng, tăng 1,21%; Khu vực II đạt 3.220,79 tỷ đồng, tăng 6,06%; Khu vực III đạt 6.520 tỷ đồng, tăng 15,44%.

Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, thu ngân sách tăng khá, một số lĩnh vực vượt kịch bản đề ra: Tôm nuôi vượt 8,1%, lượt khách du lịch vượt 4,09%, doanh thu từ du lịch ước 5.364 tỷ đồng, đạt 41,3% kế hoạch, tăng 263,7% so cùng kỳ. Riêng Phú Quốc đón trên 1,55 triệu lượt khách, đạt 25,9% kế hoạch, tăng 43,4% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế 204.795 lượt khách, đạt 58,5% kế hoạch.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong quý I, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội lớn của tỉnh trong năm 2023 đều đạt mức tăng trưởng cao, một số chỉ tiêu tăng cao hơn bình quân cả nước.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành cũng lưu ý các sở, ngành, các địa phương cần quan tâm, rà soát lại các chỉ tiêu còn đạt thấp, kịp thời chỉ đạo thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt là việc giải ngân vốn chương trình mục tiêu và phục hồi kinh tế; cụ thể hoá Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công thương nêu lên một số khó khăn gặp phải trong quý I như: Giá trị sản xuất công nghiệp; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; Kim ngạch xuất khẩu.... chưa đạt mức tăng trưởng theo kịch bản đề ra do nhiều nguyên nhân tác động. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do sức mua từ các thị trường chủ lực giảm, lãi suất ngân hàng tăng tạo áp lực cho các doanh nghiệp; giá nhiên liệu đầu vào và chi phí logistics vẫn ở mức cao tác động đến chi phí sản xuất. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm, khó khăn về nguyên liệu đầu vào phục vụ cho yêu cầu chế biến, rào cản kỹ thuật ở một số thị trường cũng ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Đẩy mạnh biện pháp khắc phục, phát triển kinh tế trong quý II

Để đảm bảo đạt các chỉ tiêu kịch bản quý II và 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành yêu cầu các Sở, ngành và các địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với quyết tâm cao, khắc phục ngay những chỉ tiêu đạt thấp của các ngành, các địa phương.

Đặt nhiệm vụ tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC trong 180 ngày, lên hàng đầu, giữ vững kết quả mà tỉnh đã đạt được trong việc thực hiện chống khai thác IUU từ đầu năm đến nay.

Các ngành, các địa phương phải quan tâm, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đầu tư công, hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn, nhất là các hướng dẫn của bộ thủ tục thực hiện 3 chương trình mục tiêu trọng điểm, phấn đấu đến cuối quý II, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 45% trở lên.

Giao Ngành Công Thương chủ trì, phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các địa phương tăng cường thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp, phấn đấu trong quý II giá trị sản xuất công nghiệp phải đạt từ 11.565 tỷ đồng trở lên.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng… phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý II phải đạt từ 34.500 tỷ đồng trở lên, xuất khẩu đạt từ 215 triệu USD.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch; tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế, tập trung vào dịp Lễ 30/4, 01/5 và mùa du lịch hè./.

Đọc thêm