Thể chế kinh tế thị trường đòi hỏi Nhà nước phải bảo đảm có đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền của chủ thể luật tư. Việc xác định tiền lệ, tập quán, học thuyết pháp lý và lẽ công bằng là nguồn của luật tư là một yêu cầu khách quan. Trong đó, nguyên tắc tòa án không được từ chối thụ lý đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự là một nguyên tắc cơ bản… Trong khi đó, Bộ luật Dân sự và pháp luật về tố tụng hiện hành của Việt Nam lại chưa ghi nhận nguyên lý cơ bản này.
Bộ luật Dân sự sẽ được sửa đổi theo hướng bãi bỏ thời hiệu khởi kiện. Ảnh minh họa |
Cần sự cải cách mạnh mẽ trong tư duy xây dựng luật
Tuần này, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức họp Ban soạn thảo dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) để thống nhất những quan điểm, nội dung cơ bản liên quan tới quá trình sửa đổi dự án luật này.
Đánh giá của Bộ Tư pháp cho thấy, qua 5 năm thi hành, Bộ luật Dân sự năm 2005 với tư cách là đạo luật “gốc” cho hệ thống các văn bản luật tư (thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình, nhà ở, kinh doanh bất động sản…) đã có những đóng góp đáng kể trong xây dựng thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.
‘‘Tuy nhiên, để văn bản này thực sự là “luật của nền kinh tế thị trường” thì cần phải có sự cải cách mạnh mẽ trong tư duy xây dựng pháp luật’’ – Bộ Tư pháp nhận định. Lý do được đưa ra là nhiều nguyên lý cơ bản của thể chế kinh tế thị trường chưa được đề cập một cách đầy đủ hoặc không rõ nét trong bộ luật này, cần được nghiên cứu toàn diện để định hướng sửa đổi cơ bản.
Đề xuất phân loại lại hình thức sở hữu
Theo nguyên lý của thể chế kinh tế thị trường, Bộ luật Dân sự phải thể hiện quan điểm chiến lược, nhất quán của Nhà nước trong tôn trọng và bảo đảm tính tuyệt đối của quyền sở hữu, việc thụ hưởng nguyên tắc này giữa các chủ thể luật tư là bình đẳng như nhau, không phụ thuộc chủ thể là cá nhân hay tổ chức.
Bộ luật Dân sự năm 2005 dường như đã đi ngược với nguyên lý trên khi qui định hình thức sở hữu với nhiều dấu ấn của sở hữu chính trị nhiều hơn là sở hữu của nền kinh tế thị trường (sở hữu được qui định để phục vụ cho giao lưu dân sự, thương mại). Dựa trên yếu tố chủ thể, sở hữu của Việt Nam được phân loại theo 6 hình thức (sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu cá nhân, sở hữu chung, sở hữu của các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, và sở hữu của các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp). Sự phân loại trên thực tế không có ý nghĩa về mặt pháp lý (xét dưới góc độ luật tư) khi không chỉ ra được sự khác biệt cơ bản giữa các hình thức sở hữu này.
Xuất phát từ yêu cầu khách quan trên, Bộ Tư pháp cho rằng, sở hữu được phân loại theo hai hình thức: sở hữu một chủ và sở hữu nhiều chủ (sở hữu chung) là một định hướng hợp lý trong Bộ luật Dân sự sửa đổi.
Cũng theo quan điểm của Bộ Tư pháp, tài sản (dưới góc độ vật) trong nền kinh tế thị trường là hàng hóa và tất yếu nó không thể thuộc sự chiếm hữu, sử dụng và định đoạt của riêng chủ sở hữu mà còn có thể thuộc sự chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của nhiều chủ thể luật tư khác nhau và ngoài chủ sở hữu, chủ thể luật tư khác có thể có quyền chi phối trực tiếp vật.
Bộ luật Dân sự của Việt Nam đã có qui định về vấn đề này, nhưng chưa rõ ràng về tài sản, phân loại tài sản, quyền của các chủ thể không phải là chủ sở hữu đối với vật. Hạn chế này là rào cản rất lớn trong việc bảo đảm xây dựng chế độ sở hữu của nền kinh tế thị trường, cũng như trong việc bảo đảm chu trình tài sản tham gia vào các giao dịch và lợi ích của các chủ thể luật tư trong chu trình đó.
Để khắc phục hạn chế trên, việc quy định vật quyền (quyền chi phối trực tiếp đối với vật) trong Bộ luật Dân sự là rất cần thiết, theo nguyên tắc, “vật” là trung tâm lợi ích kinh tế của các chủ thể luật tư.
Bãi bỏ thời hiệu khởi kiện để đảm bảo ‘‘ lẽ công bằng’’
Một vấn đề quan trọng khác cũng đang được nghiên cứu khi đề cập đến việc sửa đổi Bộ luật Dân sự chính là việc thể chế kinh tế thị trường đòi hỏi Nhà nước phải bảo đảm có đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền của chủ thể luật tư. Việc xác định tiền lệ, tập quán, học thuyết pháp lý và lẽ công bằng là nguồn của luật tư là một yêu cầu khách quan, trong đó, nguyên tắc tòa án không được từ chối thụ lý đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự là một nguyên tắc cơ bản.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự và pháp luật về tố tụng hiện hành của Việt Nam lại chưa ghi nhận nguyên lý cơ bản này, khi quy định hết thời hạn cho phép khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết việc dân sự mà chủ thể không khởi kiện hoặc yêu cầu thì chủ thể mất quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Do đó, việc Bộ luật Dân sự Việt Nam được sửa đổi theo hướng bãi bỏ thời hiệu khởi kiện và thừa nhận nguyên tắc áp dụng án lệ nó sẽ đảm bảo “lẽ công bằng” trong dân sự và cũng để thực hiện nhiệm vụ được nêu ngay tại Điều 1 của Bộ luật Dân sự năm 2005 “Bộ luật Dân sự có nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức…; bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự…”.
Ngoài các vấn đề nêu trên, nhiều quy định khác của Bộ luật Dân sự không đáp ứng được yêu cầu khách quan của đời sống kinh tế - xã hội cũng đang được kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc sửa đổi Bộ luật Dân sự được đặt ra để đảm bảo bộ luật này là đạo luật gốc trong xây dựng thể chế pháp lý đồng bộ, thống nhất cho các loại thị trường trong nền kinh tế hàng hóa đa thành phần. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Bộ luật Dân sự là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng hệ thống văn bản pháp luật dân sự, thương mại phù hợp với các cam kết của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. |
Lan Phương