Cắt giảm khoảng 20% số hội nghị, hội thảo
Năm 2016, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục bám sát với công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành, phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch công tác tư pháp/pháp chế của cơ quan, địa phương.
Trên cơ sở các công việc trọng tâm theo yêu cầu mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành đã bám sát và hành động với quyết tâm cao nhất, kiên quyết đổi mới theo phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ nhiệm kỳ mới về xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân, trong đó trọng tâm là gỡ bỏ rào cản, hoàn thiện thể chế để giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước, kiên quyết loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch. Bộ Tư pháp đã kịp thời ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ với nhiều nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Bộ Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị. Đặc biệt, thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả, chất lượng, giảm thiểu số lượng cuộc họp, các chuyến công tác địa phương không cần thiết, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch về tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm. Qua đó đã thực hiện rà soát, lồng ghép và cắt giảm khoảng 20% số hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các chuyến công tác địa phương trong năm 2016 so với đề xuất ban đầu của các đơn vị.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác, Bộ Tư pháp đã chủ động, cùng tổ chức các hội nghị phối hợp với một số bộ, ngành. Trong năm, Bộ đã tổ chức làm việc, báo cáo công tác và xây dựng, ký kết Quy chế phối hợp với Ban Nội chính Trung ương; tổ chức làm việc với VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Nội vụ và ban hành các Kết luận liên ngành. Nhờ vậy đã tăng cường mối quan hệ công tác không chỉ ở Trung ương mà giúp cho các cơ quan tư pháp ở địa phương thuận lợi hơn trong việc phối hợp với các ngành liên quan.
Tạo thuận lợi tối đa cho đầu tư kinh doanh
Thiết thực triển khai mục tiêu của Chính phủ nhiệm kỳ mới là gỡ bỏ rào cản, hoàn thiện thể chế, công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là những lĩnh vực được xác định trọng tâm hàng đầu của Bộ, ngành Tư pháp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2016, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 12 luật, nghị quyết. Riêng Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 luật và cho ý kiến với 03 luật khác. Trong số đó có những dự án luật quan trọng triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Bộ Tư pháp cũng đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành thẩm định chùm 50 nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, đáp ứng yêu cầu thực thi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi tối đa cho khởi nghiệp, cho môi trường đầu tư kinh doanh.
Thực hiện công tác theo dõi tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, hàng tháng, Bộ Tư pháp đều phối hợp với các bộ, ngành quyết tâm giảm nợ đọng VBQPPL thông qua việc đôn đốc hoặc làm việc với các bộ, ngành nợ đọng nhiều; có báo cáo Chính phủ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết trình Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ. Nhờ đó, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm mạnh so với trước. Nổi bật, số văn bản nợ đọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây - hiện chỉ còn nợ 03 văn bản.
Với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các bộ, ngành, địa phương, công tác kiểm soát thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, các cấp chính quyền. Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Đây là một sáng kiến cải cách, tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời là một trong các giải pháp phòng, chống tiêu cực, nhũng nhiễu.
Để rốt ráo phục vụ nhân dân, ngay từ đầu năm 2016, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm giai đoạn 1 phân hệ phần mềm đăng ký khai sinh tại các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và huyện Quế Phong - tỉnh Nghệ An. Sau khi sơ kết thí điểm giai đoạn 1, đã tiếp tục triển khai thí điểm giai đoạn 2, mở rộng địa bàn áp dụng phần mềm tại 07 tỉnh (An Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp). Đồng thời, triển khai thí điểm phần mềm đăng ký hộ tịch (phiên bản đầy đủ) tại thành phố Hồ Chí Minh, An Giang và Sóc Trăng. Theo thống kê mới nhất, Hệ thống đã thực hiện đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho 277.470 trường hợp.