Giảm văn bản “nợ đọng” xuống mức thấp nhất

(PLO) - Hôm qua (12/12), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp Ban Tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017 và nghe Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác tư pháp năm 2017. Một trong những kết quả đáng chú ý là qua công tác tham mưu, văn bản “nợ đọng” thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay. 
Giảm văn bản “nợ đọng” xuống mức thấp nhất

Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác tư pháp năm 2017 cũng đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương. Theo Dự thảo, năm 2016, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm. 

Một số mặt công tác đạt kết quả cao, điển hình là công tác chỉ đạo điều hành được đổi mới, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là bám sát chủ trương về xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ; đã cắt giảm khoảng 20% số lượng hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các chuyến công tác; các cuộc họp ngày càng ngắn gọn, chất lượng hơn; việc phối hợp giữa Bộ, ngành Tư pháp với một số bộ, ngành khác ngày càng chủ động, hiệu quả hơn. Công tác thi hành án dân sự lần đầu tiên đạt vượt cả 4 chỉ tiêu Quốc hội giao về việc và về tiền. 

Nổi bật hơn cả là việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực. Một số đạo luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp đã được Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến.

Các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh được toàn ngành chú trọng xây dựng, tham mưu xây dựng, qua đó từng bước giảm thiểu có hiệu quả tình trạng “nợ đọng” văn bản, trong đó văn bản “nợ đọng” thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay. Ngành cũng áp dụng thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, gắn với triển khai Luật Hộ tịch, bước đầu đạt hiệu quả, kịp thời phục vụ nhân dân; tham gia kịp thời, có chất lượng các ý kiến pháp lý đối với các vụ việc, các sự kiện liên quan đến môi trường, đầu tư quốc tế... 

Tuy nhiên, công tác tư pháp còn có một số khó khăn, hạn chế như còn lúng túng trong triển khai Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, chất lượng một số VBQPPL chưa cao, còn có sai sót; vi phạm trong công tác thi hành án dân sự có chiều hướng gia tăng; việc thành lập Hội Công chứng viên tại một số địa phương còn chậm so với yêu cầu. Ngoài ra, việc triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý ở một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc thực hiện tinh giản biên chế và chuyển số biên chế dôi dư; công tác pháp chế ở nhiều địa phương còn yếu; hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực của Bộ, Ngành chưa cao...

Các đại biểu tham dự cuộc họp cơ bản nhất trí về nội dung Dự thảo Báo cáo và nhiều ý kiến đồng tình với sự thay đổi trong kết cấu Dự thảo so với trước đây khi đi liền kết quả đạt được trong từng lĩnh vực là các khó khăn, hạn chế, giúp dễ theo dõi, đánh giá. Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đề nghị gắn kết các lĩnh vực liên quan với nhau để đảm bảo tính logic của Dự thảo như công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin gắn với nhau; công tác xây dựng ngành gắn với công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý… Một số ý kiến cho rằng cần nêu thêm khó khăn, vướng mắc của địa phương trong công tác tư pháp, phân tích được nguyên nhân của những khó khăn ấy.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, do Hội nghị năm nay dự kiến chỉ diễn ra trong một buổi nên công tác chuẩn bị đòi hỏi cao hơn, chu đáo hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng. Riêng về các tài liệu phục vụ Hội nghị, Thứ trưởng yêu cầu phải tăng cường hơn nữa “chất” địa phương (như theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc địa phương); tăng đánh giá (tránh liệt kê số liệu nhiều)… Theo Thứ trưởng, từ nay đến ngày diễn ra Hội nghị không còn nhiều, do vậy các đơn vị không dồn việc cho Văn phòng Bộ và phải triển khai ngay các công việc liên quan. Đồng tình với Dự thảo Báo cáo, Thứ trưởng cũng đề nghị nhìn nhận hiện vẫn còn tình trạng “dồn” kiểm tra vào cuối năm và một số thắc mắc, kiến nghị của địa phương đã trả lời qua nhiều năm thì nếu vướng mắc thể chế, phải trả lời rõ cho địa phương, còn vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ phải thẳng thắn nhận trách nhiệm.

Đọc thêm