Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh quy hoạch

(PLVN) - Đây là một trong những yêu cầu được Cơ quan thẩm tra nêu rõ đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét tại phiên họp sáng nay, 22/4.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế với 5 chương, 8 mục, 61 điều. Trên cơ sở những vấn đề vướng mắc, phát sinh trên thực tiễn đã được tổng kết, đánh giá, dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh với một số điểm mới cơ bản.

Theo đó, quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch; tách bạch và làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch.

Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị trực thuộc tỉnh và quy định quy hoạch không gian ngầm được lập riêng đối với các TP trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập TP trực thuộc Trung ương, nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước.

Bổ sung, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch; bổ sung quy định rõ về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, đảm bảo nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Bổ sung các quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn...

Tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn (Luật QHĐT&QHNT) theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình số 133/TTr-CP của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vào một luật là phù hợp, hướng tới bảo đảm thống nhất về định hướng chung trong kiểm soát, quản lý, phát triển đô thị và nông thôn, phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn, bổ trợ cho sự phát triển chung của địa phương, vùng và cả nước.

Về định hướng nội dung xây dựng Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, cần bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn phù hợp, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Phân định rõ vị trí, vai trò của các loại quy hoạch, các cấp độ quy hoạch, bảo đảm sự liên kết, khớp nối, tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực, khó khăn cho công tác quản lý, tạo rào cản đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp.

Cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế “xin - cho”, “lợi ích nhóm” trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án “treo”, chậm triển khai thực hiện trên thực tế.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị rà soát dự thảo Luật để làm rõ, giải quyết mối quan hệ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; mối quan hệ giữa đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị; quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu; tiêu chí tiêu chuẩn quy hoạch đô thị gắn với mật độ dân số và kết cấu hạ tầng để tính toán cân bằng phát triển đô thị theo chiều rộng và phát triển đô thị theo mô hình TOD; tiêu chí thiết yếu trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn…

Nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, Chủ tịch QH dẫn chứng một số thực tiễn và đề nghị xem xét về việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp quy hoạch không phù hợp với thực tế.

Cùng với đó, Chủ tịch QH đề nghị rà soát các quy định tại dự thảo Luật với các luật khác để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật luật.

Trong khi đó, Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường đề nghị làm rõ nội hàm của việc tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và việc quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Về loại đô thị và cấp đô thị, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH đề nghị không quy định trong dự thảo Luật vấn đề này do không thuộc phạm vi điều chỉnh. “Hiện nay, Chính phủ đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, do đó nội dung về loại đô thị nên để trong Luật Quản lý phát triển đô thị”, Tổng thư ký QH nói.

Tán thành với việc huy động các nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động quy hoạch ở đô thị và nông thôn, từ đó giúp nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch nhưng Tổng thư ký QH đề nghị quy định chặt chẽ việc huy động và sử dụng các nguồn lực này để tránh nguy cơ thông qua hỗ trợ việc quy hoạch để tác động chính sách, cài cắm “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ.

Ông Bùi Văn Cường đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về việc công bố công khai minh bạch thông tin của tổ chức, cá nhân hỗ trợ, cơ quan đơn vị tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ và việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ để người dân giám sát.

Đọc thêm