Kiều hối 2021: Vì sao WB và Ngân hàng Nhà nước chênh nhau hơn 5 tỷ USD?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trả lời PLVN về lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, con số này ước tính 12,5 tỷ USD, chênh khá lớn so với con số 18,1 tỷ USD mà Ngân hàng thế giới đã công bố trước đó.
Kiều hối là nguồn vốn quan trọng trong điều kiện khó khăn, cần vốn đầu tư
Kiều hối là nguồn vốn quan trọng trong điều kiện khó khăn, cần vốn đầu tư

Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2021, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, năm 2021 với những khó khăn, thách thức mới chưa từng có, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách kịp thời để chỉ đạo phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh thực hiện mục tiêu kép “đẩy lùi bệnh dịch và phát triển kinh tế”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

“Với sự chủ động, linh hoạt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thực hiện tốt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, chủ động bám sát tình hình, tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế”, Phó Thống đốc khẳng định.

Cũng theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, trong năm 2001, NHNN đã điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Liên quan đến lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2021, trả lời báo PLVN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, kiều hối về Việt Nam trong năm nay ước đạt 12,5 tỷ USD. “Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, kiều bào cũng gặp rất nhiều khó khăn song vẫn quan tâm hướng về quê hương. Đây là nguồn vốn rất quan trọng trong điều kiện khó khăn cần vốn đầu tư”, ông Tú khẳng định.

Với con số ước tính này, lượng kiều hối năm nay tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong số đó, lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 7%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%...

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, con số thống kê hàng năm của NHNN được coi là con số chính thống khi sử dụng trong các báo cáo, đánh giá vì NHNN có trách nhiệm quản lý nhà nước và nhiệm vụ thống kê con số này.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ở mức kỷ lục 18,1 tỷ USD, cao hơn con số 17,2 tỷ USD của năm 2020. Với con số đó, Việt Nam sẽ trong Top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

Vì sao có sự chênh lệch lớn về con số thống kê kiều hối giữa NHNN và WB?

Trao đổi cụ thể hơn với PLVN, ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN cho biết, sở dĩ có sự chênh lệch đó là do WB thống kê theo tiêu chí riêng của họ.

“Họ tính toán, ước lượng trên các chỉ tiêu vĩ mô, không kiểm chứng, còn con số của NHNN là con số thực, có địa chỉ người gửi rõ ràng qua các công ty kiều hồi, Tổ chức tín dụng…”, ông Tuấn lý giải

Cùng theo Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, sự chênh lệch đã có từ lâu rồi. “Năm nào cũng có sự chênh nhau, số liệu NHNN là chuẩn nhất vì con số được kiểm chứng…”, lời Vụ trưởng Tuấn.

Lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối cũng khẳng định, đây là nguồn cung quan trọng góp phần ổn định thị trường ngoại hối và dự trữ ngoài hối.

Tăng trưởng tín dụng đạt gần 13%

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tính đến thời điểm 28/12/2021, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 12,97%. Với con số này, tương đương khoảng 1,19 triệu tỷ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế trong năm 2021.

Năm 2022, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%. “Đây là con số định hướng chứ không cố định, có thể cao hơn hay thấp hơn 14% tùy theo mục tiêu ổn định vĩ mô, giá trị đồng tiền, tỷ giá, lạm phát…”, ông Tú nói.

Đọc thêm