Kinh doanh online ngập ngừng mở cửa trở lại tại TP HCM

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều quán ăn bán online đã mở cửa trở lại, một số shipper đã quay lại với nghề, số lượng đơn đặt hàng cũng tăng lên. Tuy nhiên, nhiều chủ cửa hàng vẫn dè dặt theo dõi tình hình.
Một cửa hàng bán cơm tấm mở cửa trở lại.
Một cửa hàng bán cơm tấm mở cửa trở lại.

Khi nghe cửa hàng thức ăn mang đi được mở cửa trở lại, chị Đoàn Nguyễn Mai Anh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) vội lên mạng, mở các ứng dụng đặt thức ăn online để tìm xem có những món ăn nào yêu thích để đặt thử.

Lục tìm trong gian hàng trên một ứng dụng, chị Mai Anh vui mừng nhận ra những cửa hàng bán món ăn chế biến ngay, thức ăn nhanh đã mở cửa. Nhanh chóng, chị chọn một số món như phô mai xé sợi, sốt cà chua, xúc xích tươi và bột để về làm món pizza yêu thích. Đơn hàng 185 ngàn đồng, phí ship là 28 ngàn đồng, thanh toán tất cả qua online. Hai tiếng đồng hồ sau khi đặt hàng, chị Mai Anh nhận được các sản phẩm. “Cảm thấy cuộc sống như đang bình thường trở lại, những món ăn quen thuộc bắt đầu có trên các gian hàng online, thói quen đặt thức ăn online cũng quay về”, chị Mai Anh chia sẻ.

Anh Nguyễn Quang Khải (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) thì “thèm” món cơm tấm đã lâu, nay thấy được cho phép bán online trở lại, anh lên ứng dụng đặt mua 2 phần cơm tấm sườn ốp la với giá 50 ngàn đồng/phần, thanh toán cùng phí ship 30 ngàn đồng. Mặc dù giá cả có tăng nhưng anh Khải cũng thông cảm: “Giờ chỉ cần thấy các quán hàng online mở cửa lại là vui rồi, dấu hiệu cuộc sống bình thường đang bắt đầu trở lại”, anh nói.

Hiện nay, hầu hết các ứng dụng đặt thực ăn như Grab, Now, Shopee đã thông báo về việc mở lại các gian hàng thức ăn. Một số ứng dụng bắt đầu tung các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà để thu hút khách hàng trở lại với việc đặt hàng. Ghi nhận từ các ứng dụng cho thấy, đơn hàng đã bắt đầu tăng lên từ từ theo ngày. Có cửa hàng chỉ đăng “cho vui” để làm quen lại với khách hàng, nhưng cũng có những “món hot” như cơm tấm, bánh mì, phở, bún bò... một số cửa hàng đạt đến 50% so với số đơn hàng trước đây. Đó là tín hiệu vui cho lực lượng buôn bán thực phẩm online.

Nhiều cửa hàng kinh doanh trực tuyến khác tại TP HCM cũng đã mở cửa lại và lượng đơn hàng đặt mua bắt đầu tăng. Tuy nhiên, không ít người vẫn đóng cửa “nghe ngóng tình hình” vì e ngại những khó khăn khi mở cửa trở lại.

Trước đó, TP HCM đã cho phép một số loại hình kinh doanh, trong đó có dịch vụ ăn, uống, được hoạt động trở lại từ 6h- 18h hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch. Việc bán hàng hiện cũng được thực hiện trong phạm vi nội quận.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, các phương án phòng chống dịch vẫn đang triển khai nên người kinh doanh cũng gặp không ít cái khó, như khó khăn trong việc xin giấy đi đường liên tục để tìm mua nguyên liệu đầu vào. Rồi lực lượng shipper cần đáp ứng các quy định như nhận diện, tiên ít nhất 1 mũi vắc xin và xét nghiệm âm tính nhanh hàng ngày dẫn đến khó tìm shipper, giá ship cao… Nhiều cái khó như thế khiến nhiều người ngại khó chưa muốn mở cửa.

Anh Lưu Văn Trung, chủ một cửa hàng bán đồ ăn vặt ở khu vực Hàng Xanh, quận Bình Thạnh cho biết, trước kia ngoài khách mua tại chỗ, anh bán mỗi ngày hàng trăm đơn hàng online trên Facebook cá nhân và các ứng dụng. Nay dù nhiều khách hàng nhắn hỏi nhưng anh vẫn chần chừ chưa dám mở bán lại. Anh Trung cho biết lý do giá nguyên liệu tăng vọt, phí ship cũng tăng mạnh. Vì thế anh lo lắng mở bán vừa mất công sức mà nhiều khách hàng không hiểu lại cho rằng quán“chặt chém” thì mất uy tín.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những ngày qua, không ít người kinh doanh online đã lục tục mở cửa hàng trở lại là tín hiệu vui. Tất cả đều kì vọng, những khó khăn chỉ mang tính thời điểm, nhanh chóng cuộc sống sẽ ổn định, kinh doanh buôn bán online sẽ nhộn nhịp, như một sự bắt đầu cho những ngày bình thường mới sau đó.

Đọc thêm