Hội thảo được xoay quanh các chủ đề chính như: Rủi ro về kinh tế ; Rủi ro về môi trường và xã hội; Rủi ro về kỹ thuật số. Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật, Đại học Huế cho biết, kinh doanh luôn đồng hành cùng lợi nhuận và rủi ro, trong đó có những rủi ro về mặt pháp lý. Và hội thảo lần này là một nội dung của dự án nghiên cứu CORESIL với chủ đề “Doanh nghiệp hậu COVID-19: Hướng đến một doanh nghiệp có khả năng chống chịu như là nhân tố phòng ngừa khủng hoảng sức khỏe và môi trường”.
Đã có 60 bài viết của các tác giả ở Việt Nam và 6 bài viết của các giáo sư đến từ trường Đại học Toulouse của Pháp được phê duyệt đăng trong tập kỷ yếu của hội thảo. Đây là diễn đàn khoa học nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19; và cũng là dịp để các học giả trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến kinh doanh và phòng ngừa rủi ro dưới góc nhìn pháp lý.
Chia sẻ về việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trên các nền tảng kỹ thuật số (KTS) trung gian, ThS.NCS. Đồng Thị Huyền Nga (Trường Đại học Luật- ĐH Huế) cho biết, các công ty công nghệ lớn vận hành trên mô hình nền tảng KTS trung gian đã và đang thâm nhập sâu rộng vào khía cạnh trong lối sống của con người, từ hoạt động mua sắm đến giao tiếp xã hội. Các nền tảng KTS trung gian mang đến nhiều lợi ích vượt trội nhưng đồng thời cũng giành được quyền kiểm soát đáng kể đối với nguồn dữ liệu người dùng, từ đó tạo ra dạng thức mới của sức mạnh thị trường.
Với việc hình thành các động lực mới của nền kinh tế và mô hình kinh doanh dựa trên các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, các nền tảng KTS trung gian như Facebook rõ ràng đang thay đổi cách thức mà chúng cạnh tranh trên thị trường.
Hội thảo là một nội dung của dự án nghiên cứu CORESIL với chủ đề “Doanh nghiệp hậu COVID-19: Hướng đến một doanh nghiệp có khả năng chống chịu như là nhân tố phòng ngừa khủng hoảng sức khỏe và môi trường". |
Các thị trường vận hành trên nền tảng KTS trung gian hiện đại ngày nay đã không còn tuân theo cấu trúc giá trị truyền thống. Do đó, sức mạnh thị trường của hệ sinh thái nền tảng KTS trung gian cũng không thể được đánh giá chỉ dựa trên giá cả- tiền tệ. Các động lực cạnh tranh truyền thống, chẳng hạn như hiệu quả về giá và chi phí thấp cần phải được thay thế hoặc ít nhất là nên được mở rộng để tích hợp thêm các tiêu chí khác như sự đổi mới, chi phí chuyển đổi (tức sự khác biệt giữa các nền tảng) và tác động khóa của các nền tảng thống trị, quyền riêng tư, lựa chọn của người tiêu dùng và đặc biệt là dữ liệu cá nhân.
Cũng theo ThS.NCS. Đồng Thị Huyền Nga, trên thực tế, bảo vệ dữ liệu của người dùng cũng có thể giúp giải quyết các thất bại thị trường phát sinh từ các mô hình kinh doanh của nền tảng KTS trung gian. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa rằng pháp luật cạnh tranh có thể “xâm lấn” đến các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của các lĩnh vực pháp luật khác, đặc biệt là về bảo vệ dữ liệu người dùng.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe các tham luận như “Phòng ngừa rủi ro mất khả năng thanh toán theo luật mới của Pháp về các biện pháp bảo đảm” của Giáo sư Francine Macorig Venier - Giám đốc Master 2 Luật kinh doanh, Trung tâm Luật kinh doanh, Đại học Toulouse Capitole; “Đổi mới và thực tiễn về hợp đồng của doanh nghiệp” của Tiến sĩ Diogo Costa Cunha - Trung tâm Luật kinh doanh, Đại học Toulouse Capitole; “Hoàn thiện pháp luật về thương lượng tập thể tại doanh nghiệp nhằm thực hành kinh doanh có trách nhiệm - Trường hợp của Việt Nam” của TS.Hoàng Thị Hải Yến -Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật, ĐH Huế...