Thật khó mà tin được ở một đất nước có nền văn hóa, văn minh phát triển hàng đầu thế giới như Anh quốc, hủ tục cưỡng hôn vẫn đang tồn tại trong một cộng đồng người sinh sống ở đây như một “truyền thống văn hóa”, để bảo vệ “danh dự” cho gia đình.
Nhà hoạt động Sanghera. Ảnh: Guardian.
Theo thống kê của Karma Nirvana – một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ các bé gái – nạn nhân của tục cưỡng hôn ở Anh cho biết: mỗi năm hàng nghìn trẻ em gái sẽ không quay trở lại nước Anh sau kì nghỉ hè. Các em được cha mẹ gửi đến một đất nước xa lạ để thực hiện cái gọi là “vì danh dự của gia đình” – kết hôn với những người đàn ông không quen biết và nhiều em sau đó trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Độ tuổi trung bình của các nạn nhân từ 14 đến 19 tuổi, cá biệt có trường hợp mới chỉ lên 8.Một chiến dịch nhằm phơi bày mặt trái của quan niệm cứng nhắc về cái gọi là “danh dự” của gia đình – nguồn gốc của những cuộc hôn nhân cưỡng ép được Karma Nirvana tiến hành trong nhiều năm. Với mục đích phanh phui các vụ hiếp dâm, bạo hành gia đình và thậm chí cả giết người vì danh dự, hay tự tử – kết cục buồn của những vụ cưỡng hôn, chiến dịch này đã giành được những thành công nhất định và được giới truyền thông chú ý.
Tuy nhiên, đại diện của Karma Nirvana khẳng định, quy mô và tính phức tạp của các vụ cưỡng hôn cũng như mỗi liên hệ của nó với những vụ giết người vì danh dự vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn. Mỗi tháng tổ chức này nhận được khoảng 500 cuộc điện thoại kêu cứu và mỗi năm khoảng 400 bé gái sống sót sau các vụ cưỡng hôn được giải cứu và đưa trở lại nước Anh mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Trường hợp cưỡng hôn gần đây nhất mà tổ chức này được biết từ một cuộc điện thoại của một bé gái 14 tuổi sống ở phía Bắc nước Anh gọi đến trong tình trạng hoảng loạn. Em đang mâu thuẫn với gia đình vì cha mẹ em không cho em ra ngoài và tiếp xúc với bạn bè. Họ nói rằng họ đã sắp sẵn cho em mọi việc như đã làm với chị gái của mình. Chị gái em đã bị buộc phải thôi học và gửi đến một ngôi làng ở Pakistan hai năm trước để “được giáo dục lại” (theo lời cha mẹ em) và sau đó kết hôn. Hiện họ đang làm tất cả những gì có thể để cứu em.
Nạn cưỡng hôn không chỉ xảy ra ở những gia đình có trình độ nhận thức thấp mà còn phổ biến trong các gia đình trí thức. Ủy ban gia đình về nạn cưỡng hôn của Anh, hồi tháng 5 đã nghi nhận trường hợp một nạn nhân 17 tuổi, may mắn sống sót sau vụ giết người vì danh dự. Cô được sinh ra trong một gia đình giàu có ở Anh, có mẹ là bác sĩ còn cha là một doanh nhân. Cô bị buộc phải kết hôn ở tuổi 16. Cha mẹ cô đã đưa cô đến Pakistan và bỏ cô lại đó. Cô nhiều lần bị người chồng mới cưới hãm hiếp và có thai.
Một năm sau cô được quay trở lại Anh để làm thủ tục xin cấp thị thực cho chồng. Cô đã kể với mẹ rằng cô bị chồng đánh đập và cầu xin sự giúp đỡ từ bà. Bà mẹ đã nói “Đây là nhiệm vụ của con. Nếu con có phải chết trong cuộc hôn nhân đó thì đó là số phận của con”.
Cô gái bỏ trốn nhưng bị một người bạn của gia đình cô tìm ra dấu vết và yêu cầu cô về nhà. Khi cô từ chối, người đó nói rằng cô đã làm ô uế danh dự của gia đình và liên tiếp đập vào bụng cô rồi bỏ đi. Tổ chức Karma Nirvana đã cứu sống được cô nhưng đứa bé trong bụng thì không giữ được.
Những nạn nhân may mắn sống sót thường bị các nhà chức trách làm ngơ và bị nhìn nhận với con mắt hoài nghi. Nhiều người thậm chí không hề biết rằng họ có quyền để bảo vệ nạn nhân.
Trong một cuộc tiếp xúc của Karma Nirvana với giới cảnh sát và các nhà hoạt động xã hội, 75% số người tham dự thừa nhận rằng họ chưa bao giờ nghe nói đến Luật Hôn nhân cưỡng ép. Luật này cho phép thẩm phán ra những phán quyết ngăn cản các gia đình đưa nạn nhân ra nước ngoài, buộc họ phải giao nộp hộ chiếu hoặc tiết hộ nơi ở của nạn nhân.
Ảnh minh họa
Từ tháng 11/2008 đến 2/2011, hơn 250 lệnh đã được tòa án ban hành để bảo vệ nạn nhân của cưỡng hôn (trong đó hơn 1 nửa nạn nhân dưới 16 tuổi, thậm chí có em mới chỉ lên 8). Điều đáng buồn là các vi phạm không được xử lý nghiêm túc. Chỉ có duy nhất một trường hợp phải ngồi tù, còn phần lớn là phạt hành chính hoặc cảnh cáo, kể cả đối với trường hợp đe dọa giết người.Tháng 5/2011, Ủy ban các vấn đề gia đình Anh đã đề xuất hôn nhân cưỡng ép cần phải coi như một tội hình sự và phải bị xử phạt thật nặng. Không phải là vô lý khi có ý kiến lo ngại rằng các nạn nhân sẽ từ chối tố giác chính cha mẹ mình. Tuy nhiên, Karma Nirvana khẳng định "Các nạn nhân sẽ sẵn lòng hợp tác nếu chúng ta có một chiến dịch hiệu quả để bảo vệ họ, giúp họ hiểu rằng họ không làm gì sai”.
Người điều hành tổ chức Karma Nirvana là Jasvinder Shanghera vốn sinh ra và lớn lên trong cộng đồng người Sikh gốc Ấn ở Derby. Shanghera đã phải chứng kiến bốn người chị gái của mình lần lượt bị đưa đến Ấn Độ, để làm vợ của những người đàn ông họ chưa bao giờ gặp, từng người họ trở thành nạn nhân của những cuộc hôn nhân đầy bạo lực. Năm 15 tuổi, Sanghera đã bỏ trốn khỏi nhà để thoát khỏi số phận như các chị gái mình. Gia đình tuyên bố từ bỏ và coi cô như đã chết.
Nhiều năm sau, sau sự kiện một trong những người chị của mình đã tự tử để thoát khỏi bạo hành và lạm dụng, cô thành lập Karma Nirvana mong góp phần đập tan truyền thống im lặng xung quanh các cuộc hôn nhân cưỡng ép. Những người sống sót được khuyến khích chia sẻ câu chuyện của mình, chống lại sự im lặng và tẩy chay mà họ phải đối mặt trong cộng đồng, hoặc trở thành một tình nguyện viên trong đường dây cứu trợ của tổ chức từ thiện, tham gia các buổi nói chuyện.
Hoạt động của Karma Nirvana cũng vấp phải không ít khó khăn khi vấp phải những ý kiến tiêu cực, cho rằng những câu chuyện của nạn nhân nhằm cố ý lái “hôn nhân cưỡng bức” và “bạo lực vì danh dự” thành một vấn đề thuộc phạm trù truyền thống văn hóa hơn là một vấn đề bạo lực giới tính. Điều này sẽ dẫn đến việc các cộng đồng dân tộc thiểu số có thể bị coi là dã man, châm ngòi cho những mâu thuẫn sắc tộc tiềm tàng.
Sanghera thừa nhận đây là một nguy cơ, nhưng cô kiên quyết đó là lỗi của những người không đủ dũng cảm để phản đối cái gọi là “bạo lực vì danh dự”. Cô nói: “Một việc được chấp nhận và được coi là truyền thống văn hóa không phải lúc nào cũng là đúng đắn. Lạm dụng không phải là một phần văn hóa của bất cứ ai”
Nguyễn Trọng (theo The Guardian)