Kinh hoàng miến bẩn

(PLVN) - Hai xã Minh Khai và Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng với nghề làm miến truyền thống, nằm bên bờ tả sông Đáy. Các làng nghề làm miến nơi đây nổi tiếng từ những năm 1960 với khoảng hơn 2.800 hộ tham gia sản xuất. Tuy nhiên, vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề lớn.
Các hộ sản xuất ngâm ủ bột ngay rìa đường và cống rãnh
Các hộ sản xuất ngâm ủ bột ngay rìa đường và cống rãnh

Chân trần dẫm lên bột làm miến

Tại làng nghề làm miến Dương Liễu, Minh Khai vào vụ Tết và lễ hội xuân sau Tết, mỗi ngày có hàng trăm tấn miến được các hộ dân sản xuất. Sản lượng nhiều cũng kéo theo tình trạng phơi miến ven đường bụi bẩn hay phơi gần cống nước thải ô nhiễm diễn ra tràn lan.

Trên các con đường đê vào làng miến cũng được xếp phơi san sát nhau bên cạnh lớp đất đá lổn nhổn và bụi bặm. Mỗi lúc các phương tiện giao thông đi qua, đặc biệt là xe tải thì bao nhiêu bụi bẩn, đất, cát bị cuốn lên rồi thổi tung mù mịt bám vào từng sợi miến. Chưa kể đến việc người dân phơi miến cả trên nền đường đê đất, đá bẩn.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến Dương Liễu là mùi chua nồng nặc của bột ủ nước và mùi hôi thối khó chịu từ các rãnh nước thải. Tại đây, các loại xe lớn bé, cũ kĩ và rỉ sét nối đuôi nhau vận chuyển bột làm miến. Tiếp cận với người dân đang tiến hành cho bột lên xe ba gác từ nơi ủ bột lụp xụp và đầy bụi bẩn, người này cho biết, ở đây chỉ chuyên nhận làm bột, nhiều loại bột như bột làm miến, bột sắn để làm bánh kẹo và mì tôm... nhưng chủ yếu vẫn là làm bột làm miến.

Ở một hộ khác, việc ủ bột ngay bên lề đường, cạnh cống rãnh bốc mùi hôi thối là địa điểm đắc địa nhất, vì xe có thể bốc hàng lên xe bất cứ lúc nào. Các dụng cụ rỉ sét, mục nát và bốc mùi khiến những người chứng kiến không khỏi rùng mình. Ngoài ra, các loại bã dong khi nghiền lấy bột xong thì được tập kết lại thành bãi để đưa đi làm thức ăn gia súc. Bãi tập kết này gần ngay trường học Dương Liễu B gây ô nhiễm trầm trọng, mùi chua và nước thải sủi bọt chảy trực tiếp ra cống rãnh gây nên mùi hôi thối.

Dọc theo đường đê, chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất miến Vinh Liên tại xã Minh Khai, mới bước chân vào cơ sở, đập ngay vào mắt chúng tôi là cảnh 2 người đàn ông đang đi chân trần dẫm lên bột để bốc dỡ chuẩn bị đưa vào sản xuất miến. Tại đây, miến được trải tràn lan trên sàn nhà để đóng gói đưa ra thị thường.

Trong vai một người có nhu cầu mua miến về buôn Tết với số lượng lớn, chúng tôi được bà Liên, chủ cơ sở thương hiệu miến sạch Vinh Liên cho biết: “Ngày nào cơ sở cũng sản xuất ra hàng tấn miến, miến ở đây có rất nhiều loại nhưng chủ yếu là miến trần và miến đóng gói. Giá miến trần thì vào khoảng 26-27 nghìn đồng/kg, miến đóng gói cao hơn vài giá nhưng thực ra cũng là cùng một loại thôi”.

Sau khi muốn ngỏ ý mua loại miến giá thành rẻ hơn chúng tôi được nhân viên tại xưởng này chỉ vào sâu trong làng, hỏi lí do sao lại có miến rẻ hơn như thế người này cho biết: “Như mọi năm, thì người ta mua những loại bột ở Trung Quốc hay bột ở đâu nước ngoài mang về, người ta tráng lẫn bột đấy. Ngoài ra còn tráng lẫn bột sắn củ, khi ăn miến không độc như bột nhập về kia, vì bột kia không biết nó là bột gì và cũng không biết họ làm thế nào ra. Còn nếu là bột sắn ăn chỉ không ngon thôi”.

Quy trình sản xuất miến ở đây gần như là thủ công, mạnh hộ nào hộ đó làm. Vào vụ sản xuất, hàng trăm tấn củ dong riềng khắp nơi tập trung ở xã. Theo tính toán, cứ 10 tấn củ dong riềng ở 1 hộ sản xuất thải ra môi trường 7 tấn bã, nước thải. Sau 7 ngày, tinh bột trắng được xử lý lắng đọng, người ta thu lại bột, còn nước thải cùng hóa chất đổ thẳng ra cống rãnh, kênh mương quanh làng. Chỉ sau 3 - 4 ngày, các hóa chất, nước thải sinh hoạt, chất hữu cơ phân hủy bốc lên mùi hôi thối lan ra cả vùng. 

Dùng chân trần dẫm lên bột làm miến
Dùng chân trần dẫm lên bột làm miến

Phương án xử lý chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền

Mức độ ô nhiễm môi trường ở Dương Liễu hiện chưa có con số thống kê của cơ quan chức năng, nhưng rõ ràng tình trạng này đang ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Quảng - Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu, Phó ban vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết: “Hiện nay, ở đây là làng nghề thủ công nên chúng tôi đang gặp khó khăn trong công tác quản lí, đặc biệt đó là liên quan đến nước thải của các hộ sản xuất. Đối với làng nghề chúng tôi đã được nhà nước đầu tư nhà máy xử lí nước thải hơn 300 tỷ đồng, khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2015, tuy nhiên do quá trình sản xuất của bà con vẫn chưa được chuẩn, nhất là đối với việc sản xuất bột dong nên xơ sợi của củ dong có thể gây tắc nghẽn”.

Ông Quảng chia sẻ thêm: “Chúng tôi mới chỉ mới đang dừng ở mức tuyên truyền và vận động bà con nên chuyển đổi những ngành nghề khác. Những năm gần đây, ô nhiễm môi trường càng ngày càng nặng, gần như cả làng sản xuất. Đây là làng nghề trong khu dân cư vừa ở, vừa sản xuất nên mỗi một nhà mà hoàn thiện hệ thống nước thải thì rất khó. Năm vừa rồi chính quyền xã đã xây dựng quy chế để “thắt” bà con vào tuy nhiên vẫn còn đang khá lúng túng. Hơn nữa, thực ra chúng tôi ở đây nhiều rồi cũng thành quen thôi”.

Khi được hỏi đến biên bản và số liệu xử phạt các hộ sản xuất gây ô nhiễm môi trường cũng như mất vệ sinh an toàn thực phẩm thì ông Quảng cho biết không nắm được, bên cạnh đó, “về vấn đề xử  phạt thì anh em ở đây cũng là người địa phương nên rất khó xử lí vì có thể vướng những sự cả nể” – ông Quảng thừa nhận.

Sau khi rời xã Dương Liễu, chúng tôi đến đặt lịch làm việc tại UBND xã Minh Khai, nơi mà cơ sở sản xuất miến Vinh Liên hoạt động với mong muốn tìm hiểu thêm thông tin. Tuy nhiên,  phóng viên vẫn chưa nhận được sự phản hồi của chính quyền xã Minh Khai. 

Đọc thêm