Kinh hoàng vi khuẩn 'ăn thịt người'

(PLO) -Vi khuẩn 'ăn thịt người' Vibrio có thể lây lan khi nước biển Baltic và biển Bắc ấm dần do biến đổi khí hậu
Kinh hoàng vi khuẩn 'ăn thịt người'

Loại vi khuẩn có thể khiến bệnh nhân bị cắt chi này đang gieo rắc kinh hoàng tại một số nước.

Khó lường

Tại Úc, bệnh lở loét Buruli, còn được gọi Bairnsdale, phát hiện lần đầu tiên ở thị trấn East Gippsland, bang Victoria vào những năm 1930. Gần đây, căn bệnh này hoành hành ở các bán đảo Mornington và Bellarine. Khi số ca nhiễm tăng từ 32 năm 2010 lên 106 năm 2015, Buruli lây sang những vùng ngoại ô Đông Nam TP Melbourne, thủ phủ bang Victoria. Nhiều khu vực khác thuộc các bang Victoria và Queensland đang trở thành điểm nóng của căn bệnh và bang New South Wales được dự báo là “điểm đến kế tiếp”.

Hàng chục ngàn người đang đối mặt nguy cơ mắc căn bệnh khủng khiếp này giữa lúc các bác sĩ chưa chắc chắn về xuất xứ của nó. Người ta cho rằng vi khuẩn gây ra bệnh Buruli lây qua đường muỗi đốt hoặc từ những con thú có túi sau khi chúng bị côn trùng cắn. Ban đầu, vết cắn chỉ giống như những vết muỗi đốt thông thường nhưng vài tháng sau, những vết loét trông như “miệng núi lửa” sẽ xuất hiện và lan rộng. Người bệnh cảm thấy vô cùng đau đớn khi vi khuẩn xâm nhập, gặm nhấm qua da, mao mạch, phá hủy hệ miễn dịch và dẫn đến hoại tử, tổn thương xương.

Trong trường hợp thời gian ủ bệnh kéo dài và bị phát hiện muộn, bệnh tình sẽ phức tạp hơn nhiều. Một số người bệnh phải qua phẫu thuật, sống chung với những vết sẹo đáng sợ hoặc, trầm trọng hơn, bị cắt bỏ bộ phận nhiễm khuẩn. Ngược lại, nếu được phát hiện sớm, vết loét có thể được điều trị nhờ kháng sinh.

Theo trang news.com.au, vi khuẩn này hoạt động mạnh nên tốc độ lây lan tại các ổ bệnh rất nhanh. Giáo sư Paul Johnson, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, khuyên mọi người nên hết sức cảnh giác bệnh lở loét Buruli. Ví nó như những loài chim di cư, ông Johnson cho rằng khó có thể dự đoán hướng lây lan của dịch bệnh. “Tại bang Victoria, bệnh lây mạnh về phía Tây nhưng lại đột ngột ngừng lại ở thị trấn Torquay. Giờ nó lại có xu hướng di chuyển vùng dịch về phía Đông” - ông Johnson cho biết thêm.

Một phụ nữ bị bệnh lở loét Buruli ở chân Ảnh: NEWS CORP AUSTRALIA

Một phụ nữ bị bệnh lở loét Buruli ở chân Ảnh: NEWS CORP AUSTRALIA

Hiểm họa từ đại dương

Úc không là quốc gia phát triển duy nhất đối mặt hiểm họa từ vi khuẩn “ăn thịt người”. Nước Mỹ đang chứng kiến sự xuất hiện của vi khuẩn Vibrio, có thể xâm nhập vào cơ thể người chỉ qua một vết thương nhỏ. Vibrio cũng có thể gây tiêu chảy nặng, kèm theo đau bụng, buồn nôn, sốt và rét run. Chúng thường sống trong nước biển ở những vùng có khí hậu ấm áp.

Kênh Fox News hôm 19-8 dẫn trường hợp cậu bé Dakarai Moore, 12 tuổi, sống ở bang Michigan (Mỹ) bị mất gần hết chân trái do vi khuẩn “ăn thịt người”. Mẹ của Dakarai kể em bị sốt và than đau chân nên được đưa đến bệnh viện. Vài ngày sau khi nhập viện, Dakarai được chẩn đoán bị hoại tử, gần hết chân trái của em không thể cứu được. “Điều đau lòng nhất của tôi từng làm từ trước đến nay trong đời là ký giấy cắt cụt chân con trai” - cha của Dakarai chua xót.

Trước đó, hồi đầu tháng 8, ông Zachary Motal, sinh sống ở phía Tây Nam bang Florida, cũng bị cưa mất chân phải do vi khuẩn Vibrio. Ông tin rằng mình nhiễm virus khi đi dạo quanh bãi biển TP Fort Myers và bị trầy chân. 24 giờ sau, ông nhập viện và bị phẫu thuật. May mắn hơn Dakarai và ông Zachary, một người đàn ông 60 tuổi ở bang Virginia sống sót với tay chân lành lặn sau khi nhiễm khuẩn ăn thịt người trong lúc đi dạo ở bãi biển hồi tháng 7.

Hiện các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Alfred-Wegener (Đức) lo ngại vi khuẩn “ăn thịt người” Vibrio sẽ lây lan lên phương Bắc khi nước biển Baltic và biển Bắc ấm dần do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn là các chuyên gia nhận thấy mầm bệnh có thể vượt qua hàng ngàn dặm nhờ cư trú trên các hạt nhựa cực nhỏ hoặc các mảnh vỡ nhỏ của rác nhựa đang trôi nổi trên đại dương khắp thế giới. Theo cuộc nghiên cứu, gần 10% các hạt nhựa cực nhỏ thu thập được có dấu hiệu của vi khuẩn Vibrio.

Đọc thêm