Những ngày qua, Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt “nóng” lên bởi sự quan tâm của công luận và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án.
Thực tế dự án này “nóng” không phải vì sự tấp nập xe máy, thi công ba ca bốn kíp trên công trường mà do có quá nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh năng lực của doanh nghiệp dự án - đơn vị thay mặt liên danh nhà đầu tư quản trị, điều hành dự án PPP (đối tác công - tư) lớn nhất trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2017 - 2020.
Như PLVN đã đưa tin, Dự án BOT cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được thực hiện bởi liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2.
Doanh nghiệp dự án ở đây là Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng.
Ngày khởi công BOT Diễn Châu - Bãi Vọt, xe máy được kéo tới chật cả công trường nhưng sau một thời gian công trường vắng lặng dù Bộ GTVT nhiều lần ra, vào kiểm tra. |
Thời điểm công bố danh tính nhà đầu tư và ký hợp đồng dự án với liên danh nói trên, Bộ GTVT tỏ ra tự tin vì đã đấu thầu chọn lựa được những anh tài trong “làng” đầu tư, xây lắp tham gia vào công trình trị giá 11.000 tỷ đồng. Vì ngoài thi công thành công nhiều công trình lớn, trong liên danh trên có 2 doanh nghiệp từng có nhiều kinh nghiệm đầu tư các BOT giao thông.
Cụ thể, CINECO4 hay còn gọi là “Tổng” 4 là cái tên luôn có mặt trong các sự kiện khởi công động thổ nhiều công trình lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng từng bỏ vốn đầu tư, vận hành nhiều dự án BOT như tuyến tránh TP.Vinh, cầu Yên Lệnh, BOT QL1 đoạn Nam Bến Thủy - truyến tránh Hà Tĩnh, BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.
Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn rõ ràng là một thương hiệu lớn không chỉ trong lĩnh vực thi công xây lắp các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện mà còn có thời gian vào vai nhà đầu tư ở BOT QL1 đoạn qua Quảng Trị, cách đây không lâu.
Nếu so sánh với 2 dự án BOT còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam (Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo), thì đây là một liên danh có nhiều kinh nghiệm công trường, thế nhưng nhịp độ thực tế trên công trường cũng như công tác chuẩn bị đầu tư dường như đã bị các nhà đầu tư ở 2 dự án nói trên lấn lướt.
Điều đó cho thấy, sự đồng đều của các thành viên trong liên danh, tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp dự án thể hiện qua bộ máy điều hành chuyên nghiệp và biết việc là yếu tố quyết định sự nhanh, chậm thành công của dự án.
Thực tế này được rút ra từ Dự án BOT nâng cấp QL1 đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn khi nó thất bại lần đầu do không tìm được tiếng nói chung trong tập thể các nhà đầu tư đứng cùng một liên danh, cộng với những khó khăn trong huy động vốn chủ sở hữu… khiến Bộ GTVT phải quyết định thu hồi dự án, để nhà đầu tư khác vào thế chân.
Liệu cái “dớp” ở BOT Bắc Giang - Lạng Sơn trước đây có xuất hiện ở BOT Diễn Châu - Bãi Vọt?