Là quốc gia đầu tiên bùng phát dịch COVID-19, nhưng với chỉ chưa đầy 100.000 ca bệnh, đến nay Trung Quốc đang đứng thứ hơn 100 trên bảng thống kê Covid-19 toàn cầu. Để giữ được thứ hạng này, trong suốt gần 2 năm qua, Trung Quốc luôn kiên trì thực hiện chiến lược chống dịch lấy phòng ngừa làm trung tâm như hồi tháng 1/2020.
Nói như ông Chung Nam Sơn, chuyên gia bệnh hô hấp hàng đầu Trung Quốc, thì đến nay nước này vẫn đang đi đúng hướng, nhưng nếu tình trạng này tiếp diễn trong một thời gian dài, các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt nhất sẽ không thể áp dụng và nước này sẽ phải chịu một gánh nặng lớn. Virus đang thay đổi và các hướng dẫn kỹ thuật để đối phó ở Trung Quốc cũng đang dần thay đổi.
Ông Chung Nam Sơn (trái). Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Trong chiến lược chống dịch của Trung Quốc, có một số điểm có thể tham khảo, ngoài việc sử dụng mã sức khỏe QR và mã hành trình.
Tổ chuyên gia cấp cao - nơi đưa ra các phát ngôn chính thống về tình hình dịch bệnh
Trung Quốc không có Bộ Y tế mà chỉ có Ủy ban Y tế Quốc gia. Ủy ban này có một Tổ (nhóm) chuyên gia cao cấp, tập hợp những chuyên gia giỏi nhất về y tế của Trung Quốc. Theo thông tin trên mạng xã hội nước này, Tổ chuyên gia gồm 5-6 người, thành lập trong khoảng thời gian giữa tháng 1/2020, tức sau khi COVID-19 bùng phát dữ dội tại Vũ Hán.
Người đứng đầu Tổ chuyên gia là ông Chung Nam Sơn, Viện sĩ Viện Công trình, người có công đầu trong cả 2 cuộc chiến chống dịch SARS và COVID-19. Chính chuyên gia này là người đã tuyên bố với thế giới Covid-19 có thể lây từ người sang người. Ông luôn xuất hiện vào những thời điểm then chốt của dịch bệnh và đưa ra những phát ngôn có tính khoa học và mang tính định hướng cao.
Bên cạnh ông Chung Nam Sơn, các chuyên gia uy tín khác của Tổ chuyên gia cao cấp cũng thường xuyên xuất hiện trên truyền thông để thông tin về dịch bệnh, về thời điểm dịch có thể được kiểm soát, các phác đồ điều trị hay cách thức phòng chống dịch sao cho hiệu quả...
Từ đầu dịch đến nay, quan chức cấp cao Trung Quốc chưa từng đưa ra bất cứ tuyên bố nào liên quan đến diễn biến của dịch bệnh, càng không đặt thời hạn chót để kiểm soát dịch.
Sự xuất hiện của các chuyên gia đầu ngành có thể được coi là một lý do quan trọng khiến người dân Trung Quốc dễ dàng hợp tác với chính phủ hơn trong phòng chống dịch, bởi phát ngôn của chuyên gia là dựa trên căn cứ khoa học, không phải mệnh lệnh hành chính.
Cơ chế phối hợp phòng chống dịch của Chính phủ Trung Quốc
Cơ chế phối hợp liên ngành được thành lập ngay trước thời điểm phong tỏa Vũ Hán, gồm 32 đơn vị thành viên, do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đứng đầu. Cuộc họp đầu tiên của cơ chế này diễn ra vào ngày 20/1/2020, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính chị, Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan.
Kể từ đó, bà Tôn Xuân Lan là người trực tiếp phụ trách sự vận hành của cơ chế này. Còn ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng làm Tổ trưởng Tiểu tổ lãnh đạo (tức Ban chỉ đạo) Trung ương về ứng phó với đại dịch COVID-19 mà bà Tôn Xuân Lan là 1 trong 9 thành viên.
Bà cũng là người trực tiếp đến Vũ Hán chỉ huy chống dịch. Cho đến nay, mọi chuyến đi địa phương liên quan đến xử lý dịch trên cả nước Trung Quốc đều chỉ do một mình bà đảm nhiệm.
Trong Cơ chế phối hợp liên ngành của Quốc vụ viện (tức Chính phủ) Trung Quốc có nhiều tổ công tác, như phòng chống dịch, khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, đối ngoại, hỗ trợ hậu cần, công tác tiền phương... Mọi quyết định, chỉ đạo và văn bản liên quan đến chống dịch đều do cơ chế này ban hành.
Khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, cơ chế này họp báo hàng ngày để thông báo tình hình. Bên cạnh cung cấp thông tin chính thống và nhất quán về dịch, mọi chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp và vực dậy nền kinh tế hay đảm bảo cuộc sống cho người dân đều được phát đi thống nhất từ đây. Đến nay, vào những thời điểm quan trọng, như dịch bùng phát nghiêm trọng tại một số địa phương, công tác nghiên cứu và tiêm phòng vaccine đạt tiến triển..., cơ chế này vẫn tổ chức họp báo.
Chuyển hướng sang chống dịch khoa học, chuẩn xác từ sớm
Ngay từ ngày 25/1/2020, tức sau khi Vũ Hán bị phong tỏa 2 ngày, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhóm họp và đề cập đến vấn đề “phòng chữa khoa học, chính sách chuẩn xác” trong phòng chống dịch.
Đầu tháng 2/2020, Bộ Chính trị nước này tiếp tục yêu cầu các địa bàn phi trọng điểm về dịch trên cả nước thực hiện phòng chống dịch chuẩn xác bằng cách “phân vùng, phân cấp”, tiến tới tái thiết lập trật tự kinh tế, xã hội, trong đó lấy quận/huyện làm đơn vị hành chính để xác định mức độ rủi ro và thực hiện các chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dịch khác nhau.
Ngày 24/2/2020, khi số ca bệnh mới ở Hồ Bắc chỉ ở mức 500 ca/ngày, Trung Quốc đã ra văn bản chính thức về việc phòng chống dịch khoa học, chuẩn xác, phân cấp phân vùng, đánh dấu việc nước này chuyển đổi chiến lược từ phòng chống dịch toàn diện sang phòng chống dịch chuẩn xác và có trọng điểm.
Việc chống dịch chủ yếu tập trung vào các đối tượng và nơi trọng điểm, người dân được phân loại để quản lý (gồm nguy cơ cao, nguy cơ trung bình và nguy cơ thấp). Trong đó, người nguy cơ cao phải được điều trị hoặc cách ly tại bệnh viện và cơ sở y tế chỉ định; người nguy cơ trung bình theo dõi tại nhà và chịu sự quản lý của khu dân cư; người nguy cơ thấp có thể đi lại và tham gia lao động, sản xuất. Riêng tỉnh Hồ Bắc người dân vẫn chưa được ra ngoài.
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện biện pháp “4 sớm”, gồm phát hiện sớm, báo cáo sớm, cách ly sớm, điều trị sớm, ngay từ thời điểm này, Trung Quốc đã bắt đầu khuyến khích người dân sử dụng mã sức khỏe QR. Những nơi chưa thể thực hiện có thể dùng giấy thông hành để đi lại và làm việc.
Đến nay, thay vì “phong tỏa” toàn bộ thành phố 11 triệu dân như Vũ Hán, các địa phương bùng phát dịch ở Trung Quốc chỉ “quản lý khép kín” trong phạm vi hẹp tùy theo số ca bệnh. Khác với phong tỏa hà khắc ở Vũ Hán (nội bất xuất ngoại bất nhập), quản lý khép kín không cho người trong vùng dịch nguy cơ cao ra ngoài, nhưng vẫn cho phép họ vào trong và phạm vi đã được thu hẹp. Các khu vực khoanh vùng chống dịch đã từ đơn vị hành chính cấp huyện thu nhỏ lại ở cấp khu phố (hoặc làng).
Cụ thể, đợt dịch hồi tháng 6 và 7/2020 tại Bắc Kinh, các khu vực có nguy cơ thấp, trung bình và cao đã được chia theo khu phố/làng. Theo đó, những khu phố/làng phát hiện 2 cụm dịch cộng đồng trở lên hoặc 5 ca bệnh trở lên trong vòng 14 ngày là khu vực nguy cơ cao; phát hiện 1 cụm dịch cộng đồng hoặc 2-5 ca bệnh trong vòng 14 ngày là khu vực nguy cơ trung bình: không có dịch trong vòng 14 ngày là khu vực nguy cơ thấp.
Tại các khu chung cư ở khu vực nguy cơ trung bình và cao, các đơn nguyên có từ 2 hộ dân trở lên xuất hiện ca bệnh; tòa nhà có dịch ở khu vực nguy cơ cao hoặc tòa nhà được xác định là cần thiết phải siết chặt quản lý ở gần khu vực nguy cơ cao sẽ phải chịu sự “quản lý khép kín”.
Các khu vực này cũng được yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo phân vùng, phân cấp và phân loại. Theo đó, khu vực nguy cơ thấp thực hiện sách lược “phòng dịch xâm nhập từ bên ngoài”; khu vực nguy cơ trung bình thực hiện sách lược “phòng dịch xâm nhập từ bên ngoài và lan rộng ở bên trong”; khu vực nguy cơ cao thực hiện sách lược “phòng dịch lan rộng ở bên trong, phòng dịch xâm nhập từ bên ngoài và kiểm soát nghiêm ngặt”.
Từ đó đến nay, cả nước Trung Quốc luôn tuân thủ và thực hiện theo quy trình chống dịch này. Bên cạnh đó, để phát hiện và dập dịch nhanh, nước này thường xuyên tiến hành xét nghiệm đại trà trên diện rộng với số người nhiều nhất có thể hoặc xét nghiệm định kỳ và xác suất trong các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Thực tế cho thấy, các đợt dịch cộng đồng gần đây ở Nam Kinh (Giang Tô), Phủ Điền (Phúc Kiến) và gần đây nhất là Ili (Tân Cương) đều được phát hiện nhờ xét nghiệm định kỳ.
Sở dĩ Trung Quốc làm được điều này vì đã chủ động được kít xét nghiệm. Giá thành xét nghiệm tại đây cũng ngày càng giảm, từ ban đầu 120 nhân dân tệ (khoảng 430.000 đồng)/lần xuống còn một nửa, tức không vượt quá 60 tệ/lần hiện nay. Xét nghiệm gộp mẫu 10 người, mỗi người cũng không nộp quá 15 tệ (54.000 đồng)/lần.
Hiện đã có không ít dư luận, kể cả báo chí lên tiếng về sự tốn kém và mệt mỏi mỗi khi phải huy động nhân lực, vật lực để tập trung dập dịch khi bùng phát ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Chung Nam Sơn, Trung Quốc chỉ có thể mở cửa hoàn toàn sau khi ít nhất 80% hoặc thậm chí hơn 85% dân số nước này được tiêm chủng, cũng như khi các nước, đặc biệt là các nước lớn, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, tỷ lệ tiêm phòng cao và tỷ lệ tử vong giảm.
Theo chuyên gia này, đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả nào đối với COVID-19 và hình thức trấn áp quan trọng nhất vẫn là kiềm chế sự lây lan với các biện pháp kiểm soát ở cấp cộng đồng, các yêu cầu duy trì giãn cách, đeo khẩu trang và cách ly nghiêm ngặt khi có ca bệnh, trong khi tiêm chủng đại trà cũng là một phần của chiến lược phòng bệnh.
Ông ước tính tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 của Trung Quốc có thể đạt trên 80% vào cuối năm, nhưng vấn đề là sau nửa năm tiêm chủng, hiệu quả phòng bệnh đã giảm đáng kể. Vì vậy, hiện nước này đang phát triển nhiều loại vaccine và nghiên cứu cách tăng cường khả năng miễn dịch để giải quyết vấn đề này. Do đến nay tất cả đều vẫn là ẩn số, nên tư tưởng chỉ đạo chính của Trung Quốc vẫn là phòng dịch là chính.
Lên kế hoạch khôi phục sản xuất sớm
Sau khi cho phép doanh nghiệp các địa phương đã kiểm soát được dịch khôi phục sản xuất từ ngày 10/2/2020 (tức chưa đến 20 ngày sau khi phong tỏa Vũ Hán), ngày 21/2/2020, Trung Quốc đã công bố “Hướng dẫn về các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch sau khi phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp”.
Hoạt động của doanh nghiệp sau khi mở cửa trở lại cũng được thực hiện theo hình thức phân vùng phân cấp.
“Quản lý khép kín” là khái niệm được sử dụng trên hầu khắp các lĩnh vực khi có dịch hoặc di chuyển với số lượng lớn liên quan đến yếu tố nước ngoài ở Trung Quốc. Hình thức này tương tự “bong bóng du lịch”, tức mọi hoạt động diễn ra trong một phạm vi nhất định với các điểm đến nằm trong tầm kiểm soát. Ngay cả sang đầu năm 2022 khi tổ chức Olympic mùa Đông tại Bắc Kinh, mặc dù đã yêu cầu vận động viên và người tham dự tiêm vaccine hoặc cách ly, song Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện quy trình quản lý này.
Thời kỳ đầu khôi phục sản xuất, quy trình quản lý khép kín cũng đã được áp dụng với các doanh nghiệp. Theo đó, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tổ chức các đội xe hoặc đoàn tàu miễn phí đón người lao động về tận nơi làm việc theo một quy trình khép kín.
Với những người buộc phải tự di chuyển, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ phí đi lại. Ngoài tiền lương, người lao động quay trở lại làm việc còn được nhận thêm các khoản hỗ trợ, ví dụ một thành phố ở tỉnh Chiết Giang đã bù thêm tiền sinh hoạt cho nhân viên với mức 1000 tệ (3,6 triệu đồng)/tháng.
Để có thể phục hồi kinh tế nhanh chóng sau dịch, bên cạnh việc dập dịch nhanh và triệt để khi tái bùng phát, thị trường nội địa lớn chính là một ưu thế của Trung Quốc mà ít quốc gia nào có được. Nếu như kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều hơn gấp rưỡi GDP, thì với Trung Quốc tiêu dùng nội địa chiếm tới 60% GDP. Đây cũng là một trong những lý do nước này đưa ra chiến lược “tuần hoàn kép” trong phát triển kinh tế, trong đó lấy tuần hoàn trong nước, tức khai thác thị trường nội địa làm trụ cột để chống chọi với những bất ổn của môi trường bên ngoài.