Cầu Thăng Long được xây dựng hoàn thành vào năm 1985. Đây là cầu chính vượt sông dài 1.680 m gồm 15 nhịp giàn thép. Cầu gồm 2 tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Cầu đường sắt và xe thô sơ nằm phía dưới, cách tầng trên 14,10 m, rộng 17m. Cầu ô tô nằm ở tầng trên có chiều rộng 20,5m, phần đường ô tô rộng 16,5 m cho 4 làn xe, chiều rộng hành lang bộ hành hai bên 2m.
Sau một thời gian khai thác phần mặt đường trên cầu đã xuất hiện các hư hỏng, tuy nhiên với các đặc điểm kết cấu phức tạp (cầu dàn thép 2 tầng cho đường bộ và đường sắt, chiều dài nhịp lớn, giàn thép liên tục trên nhiều nhịp) mặt cầu phải chịu đồng thời các tải trọng xe chạy trên mặt cầu, tải trọng tầu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ… tạo ra các dao động, chuyển vị, biến dạng, ứng suất lớn đồng thời theo các phương khác nhau. Do vậy từ năm 2009 đến nay, sau nhiều lần sửa chữa tuy nhiên các hư hỏng trên mặt đường trong phạm vi giàn thép vẫn chưa được khắc phục triệt để (hiện tại nhiều cầu có kết cấu tương tự trên thế giới cũng phải sửa chữa nhiều lần).
Hiện nay, đường Vành đai III đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đang triển khai thi công và sẽ hoàn thành vào Quý IV/2020. Vì vậy, việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long để hoàn thành khai thác đồng bộ với đường Vành đai III đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long là hết sức cần thiết và cấp bách.
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long là dự án nhóm B, chủ đầu tư là Tổng cục ĐBVN và cũng là người quyết định đầu tư. Nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi là Liên danh Công ty TNHH Tư vấn xây dựng đại học GTVT – Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình giao thông 2. Tư vấn thẩm tra là Liên danh Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng và Viện Kinh tế xây dựng.
Theo phương án được phê duyệt, phương án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ bằng giải pháp sửa chữa bản thép trực hướng bằng kết cấu mặt cầu liên hợp siêu nhẹ, cụ thể: Cào bóc lớp Bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép; Hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép; Lắp đặt lưới thép và đổ Bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ tối thiểu 120MPa; Thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận; Thay thế các khe co giãn đã bị hư hỏng, sửa chữa lề bộ hành và hệ thống thoát nước.
Tổng cục ĐBVN cho biết, về nguyên lý đây là giải pháp thiết kế kinh điển, kết cấu bê tông liên hợp với bản thép thông qua hệ thống đinh neo như nhiều kết cấu cầu thép, chỉ khác ở chỗ sử dụng bê tông siêu tính năng UHPC có cường độ rất cao (gấp 3 – 4 lần bê tông thông thường) để giảm chiều dày bản bê tông từ 20 – 22cm xuống 5 – 6cm.
Tổng mức đầu tư của dự án là 269,3 tỷ đồng (theo phương án nghiên cứu của Tư vấn Nhật bản năm 2014 là 313 tỷ đồng). Nguồn vốn đầu tư từ nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ.
Theo Tổng cục ĐBVN. tuổi thọ tính toán của phương án sửa chữa là trên 30 năm với lớp bê tông siêu tính năng và 10 năm đối với lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và tạo êm thuận.
Thời gian thực hiện dự án trong năm 2020 (dự kiến sẽ khởi công sửa chữa trong tháng 7/2020 và hoàn thành trong quý IV/2020)
Tổng cục ĐBVN cho biết, để công tác thi công bê tông siêu tính năng UHPC đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, tổ chức phân luồng giao thông và cấm các phương tiện lưu thông trên mặt cầu trong quá trình thi công xây dựng.