Tăng trưởng dựa vào FDI
Theo TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban, Ban Phân tích và dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội (KT-XH) quốc gia (NCIP), tăng trưởng GDP quý I đạt 7,45%, mức cao ngoạn mục này có được nhờ Samsung và Formusa. Xu hướng này tiếp tục duy trì trong quý II tuy đã có dấu hiệu bớt nóng khi GDP chỉ tăng 6,79%.
Theo dự báo của NCIP, tăng trưởng kinh tế 2018 sẽ đạt khoảng 6,83%. Trong đó, quý I tăng trưởng 7,45%, quý II 6,79%, quý III ước đạt 6,72% và quý IV ước đạt 6,56%. Tăng trưởng quý III và IV có thể không có gì đột phá so với các năm trước.
Trong 6 tháng qua động lực tăng trưởng kinh tế đến từ khu vực sản xuất, trong khi ngành khai khoáng vẫn tiếp tục tái cơ cấu, dầu thô đang giảm theo kế hoạch, do đó khai khoáng vẫn đang giảm. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm còn chịu ảnh hưởng lớn của một số sản phẩm như tăng trưởng của sản phẩm điện tử, máy vi tính, điện thoại di động, trong đó, tăng trưởng điện thoại di động chủ yếu của Samsung.
Quý II cũng là quý cán cân thương mại đạt thặng dư do đóng góp của khu vực FDI. Trong khi khu vực FDI xuất siêu hơn 15 tỷ USD thì khu vực trong nước nhập siêu gần 13 tỷ USD. Trong đó, điện thoại tăng hơn 3 tỷ USD so với năm ngoái. Cũng theo ông Đức Anh, đây là thời gian tỷ giá chịu sức ép lớn do nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là chính sách lãi suất của Mỹ, tăng trưởng kinh tế Mỹ và chiến tranh thương mại ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư. Cùng với đó, lạm phát, mặt bằng lãi suất cũng đang có xu hướng tăng đang là thách thức cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm.
Thiếu động lực hỗ trợ
Mặc dù Thủ tướng tái khẳng định kiềm chế lạm phát cả năm dưới 4% bằng việc không tăng giá điện, giảm giá dịch vụ y tế, không thực hiện điều chỉnh thuế VAT, Ngân hàng Nhà nước cũng đang làm khá tốt công cụ của mình, thì lạm phát và tỷ giá vẫn là sức ép lên nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt, sức ép này được dự báo còn lớn hơn năm 2017.
Bên ngoài là sức ép từ việc tăng giá của đồng USD (tăng trưởng kinh tế Mỹ và nâng lãi suất điều hành), cùng với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các nước khác, đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cùng với đó, biến động của giá hàng hóa cơ bản và năng lượng trên thị trường quốc tế khi Mỹ đã tiến hành áp đặt trừng phạt Iran... là những vấn đề đáng chú ý trong điều hành 6 tháng cuối năm. Theo Chuyên gia kinh tế, TS Lưu Bích Hồ, các tác động này là nhiều mặt nên rất khó dự báo. Còn TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới (NCIP), tác động này nếu có thì cũng khoảng 2-3 năm nữa.
Tuy nhiên, điều có thể “nhìn” thấy là lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm đang giam sút, đó là lực đẩy từ khu FDI đang mất dần, không có động lực mới bổ sung; công nghiệp chế biến chế tạo vẫn chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị; Tác động của cơ chế chính sách cải thiện môi trường kinh doanh chưa rõ nét, chưa có đánh giá để lượng hóa xem chính sách đặt ra đóng góp bao nhiêu cho tăng tưởng kinh tế…
Lạm phát và tỷ giá tuy đang trong tầm kiểm soát song theo nhận định, vẫn đang chịu sức ép lớn, đòi hỏi chinh sách tiền tệ cần thận trọng nhằm kiềm chế gia tăng lạm phát từ phía cầu.