Kinh tế kết hợp quốc phòng: Nguồn nội lực quan trọng phát triển đất nước

(PLVN) - Quân đội làm gì, làm như thế nào để tham gia lao động sản xuất kết hợp với quốc phòng? Đó là những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo Đề án Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trong tình hình mới do Bộ Quốc phòng tổ chức tại TP HCM mới đây.
Phát triển theo hướng lưỡng dụng, từ 2021, giá trị thương hiệu Viettel đã vượt mốc 6 tỷ USD. (Ảnh: Viettel)
Phát triển theo hướng lưỡng dụng, từ 2021, giá trị thương hiệu Viettel đã vượt mốc 6 tỷ USD. (Ảnh: Viettel)

Làm rõ vai trò của quân đội trong kết hợp kinh tế và quốc phòng

Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng BCĐ xây dựng đề án cho biết, từ khi thành lập, cùng với nhiệm vụ chiến đấu huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, toàn quân sẵn sàng tham gia lao động sản xuất phù hợp với điều kiện từng địa phương đơn vị, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững chắc; là nguồn lực quan trọng trong phát triển đất nước, tạo tiền đề vững chắc xây dựng quân đội tinh nhuệ, hiện đại.

Đến nay, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế chưa được thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ để quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; nên việc triển khai thực hiện gặp khó khăn, bất cập cả về môi trường pháp lý, cơ chế quản lý và phương thức kết hợp; nhiều tiềm năng, thế mạnh của quân đội chưa được khai thác và phát huy hiệu quả, gây lãng phí.

Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, rất cần có nhận thức đúng đắn, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị với nhiệm vụ quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Vì vậy, cần phải làm rõ nội dung quân đội làm gì, làm như thế nào để tham gia lao động sản xuất kết hợp với quốc phòng trong tình hình mới.

Đề án “Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng trong tình hình mới” với mục tiêu định hướng rõ các nhiệm vụ, giải pháp tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của quân đội. Cùng với đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và các chiến lược quân sự, quốc phòng. Ngoài ra, củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở bố trí lực lượng sản xuất theo cơ cấu ngành, vùng lãnh thổ.

Dự thảo đề án có 5 phần chính, đã tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp và đạt được sự đồng thuận cao cả về bố cục, nội dung...; một số ý kiến khác được cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình, làm rõ để xây dựng, hoàn thiện đề án.

Tổ chức các doanh nghiệp quân đội theo hướng “lưỡng dụng” tinh

Tham luận tại Hội thảo, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia khẳng định vai trò quan trọng của quân đội trong tham gia vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bởi quá trình này góp phần thay đổi vận mệnh của cả dân tộc.

Ông Lịch mong muốn quân đội đầu tư vào lĩnh vực đóng tàu phục vụ cả về quân sự lẫn dân sự vì lợi ích quốc gia, dựa trên những lợi thế đại dương. Ngành công nghiệp quốc phòng và ngành công nghiệp đóng tàu phải là lĩnh vực mà quân đội cần tham gia. “Quân đội tập trung nguồn lực để làm và cần tránh thất bại như trường hợp của Vinashin”, ông Lịch lưu ý.

Ngoài ra, quân đội cũng cần tập trung phát triển các doanh nghiệp quốc phòng có năng lực cao, đủ năng lực sản xuất các loại vũ khí, thiết bị hiện đại, sản phẩm lưỡng dụng có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn dắt nền kinh tế đất nước trên một số lĩnh vực; đầu tư mạnh lĩnh vực công nghệ cao, các mô hình nhà máy thông minh, tự động hóa; robot, trí tuệ nhân tạo, in 3D…

Khẳng định vai trò của quân đội trong tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng nhấn mạnh, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương và tổ chức thực hiện điều chuyển gần 280.000 quân sang lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Quân đội đã tham gia xây dựng hầu hết những công trình lớn của quốc gia như: Tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam, Nhà máy thủy điện Hòa Bình... Cùng với đó, các đoàn kinh tế quốc phòng làm nòng cốt trong xóa đói, giảm nghèo, từng bước phát triển thành vùng kinh tế, thành lập các khu dân cư với những mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xây dựng các công trình quân sự, quốc phòng trọng yếu, các công trình ở các địa bàn khó khăn mà các doanh nghiệp dân sự khó thực hiện.

Cũng theo ông Tuấn, tình hình mới đặt ra cho quân đội tổ chức các doanh nghiệp quân đội, tập đoàn công nghiệp quốc phòng mạnh. Qua đó, tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn, hiện đại, trên các địa bàn chiến lược trọng điểm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tổ chức các doanh nghiệp quân đội, tập đoàn công nghiệp theo hướng “lưỡng dụng” tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu quả, thực sự có năng lực về công nghệ và quản trị, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, trên địa bàn TP có 14 khu công nghiệp, 3 khu chế xuất, 1 khu công nghệ cao, 1 khu nông nghiệp công nghệ cao; có gần 500.000 doanh nghiệp với số vốn hơn 9,2 triệu tỷ đồng. TP đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lồng ghép giữa các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ. Trong đó, hình thành nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp có tính lưỡng dụng, sẵn sàng huy động, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất quốc phòng. Các công trình quốc phòng, hệ thống giao thông… được quy hoạch, quản lý chặt chẽ, hình thành thế trận liên hoàn, bảo đảm sẵn sàng chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến.

Đồng tình với các ý kiến trên, Thượng tướng Trần Đơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, đề án là một nội dung rất quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện đề án là cơ sở để quân đội tiếp tục phát huy truyền thống hoàn thành thắng lợi chức năng, nhiệm vụ là “đội quân lao động sản xuất” chủ động tạo nguồn lực vững chắc, bảo đảm cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.

Đọc thêm