Kinh tế khó khăn, tranh chấp thương mại không giảm

Tồn kho hàng hóa lên tới gần 40%, ngân hàng “ôm tiền”, doanh nghiệp (DN) thì “ngồi khóc”..., kinh tế bế tắc – ngược lại - chính là môi trường xúc tác cho 1001 các tranh chấp thương mại.

Tồn kho hàng hóa lên tới gần 40%, ngân hàng “ôm tiền”, doanh nghiệp (DN) thì “ngồi khóc”..., kinh tế bế tắc – ngược lại - chính là môi trường xúc tác cho 1001 các tranh chấp thương mại.

 

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam - kể lại, vì “bí” vốn mà giám đốc một công ty ở một tỉnh miền núi phía Bắc vay ngân hàng 20 tỉ đồng với thời hạn bảy năm để thực hiện dự án. Đến tháng 12/2011, khoản vay đầu tiên trị giá 2,5 tỉ đồng đến hạn trả, song dự án chưa đi vào hoạt động, chưa có nguồn thu, nên không thể trả nợ ngân hàng đúng hạn.

Ngân hàng hứa hẹn, nếu ông thu xếp trả được nợ đúng hạn thì sẽ cho vay tiếp. Do đó, ông đã vay tín dụng đen trong thời hạn 10 ngày để trả ngân hàng. Vậy nhưng khi trả xong, ngân hàng “quên luôn” lời hứa cho vay tiếp, do vậy, ông không trả được khoản vay nóng và buộc phải đưa cả gia đình đi trốn ...

Cũng dẫn chứng từ thực tế, Luật sư Châu Huy Quang, Văn phòng luật sư LCT Lawyers tiết lộ, văn phòng đã từng tư vấn một vụ việc, theo đó hai bên ký kết hợp đồng mua bán sắn lát theo hình thức trả sau. Khi dư nợ lên 100 tỷ, DN được đầu tư yêu cầu tuyên bố phá sản. Kết quả, Tòa ra quyết định mở thủ tục phá sản. Kết thúc thủ tục phá sản, DN được hợp thức hóa miễn nghĩa vụ trả nợ, chủ đầu tư (chủ nợ)  “ngậm đắng nuốt cay” thu về chỉ được gần 100 triệu.

Phòng hơn… chống

TS Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội (Bộ Tư pháp) cho hay vi phạm nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch thương mại gồm: không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch thương mại. Khi xẩy ra, các bên có thể lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại như: thương lượng, trung gian hòa giải, trọng tài thương mại và toà án.

“Lưu ý rằng các cơ quan hành chính, cơ quan công an không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại” – ông Hiếu nói. Hiệu trưởng trường Luật cũng nhấn mạnh, trong hợp đồng, tại điều khoản về giải quyết tranh chấp phải ghi rõ cơ quan được hai bên lựa chọn giải quyết, tránh những thỏa thuận không rõ ràng, như “giải quyết bằng Tòa án”; hay thỏa thuận chung chung, như “giải quyết bằng Tòa kinh tế TAND tỉnh, thành phố” - trong khi tranh chấp này chỉ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp huyện. Các thỏa thuận nước đôi, như “giải quyết bằng Tòa án hoặc trọng tài” cũng có nhiều rủi ro và rất khó thực hiện.

Một điều khoản khác, theo TS Hiếu, các bên cũng rất cần lưu tâm khi tranh chấp xảy ra, đó là thời hiệu khởi kiện. Bởi hết thời hiệu sẽ không được khởi kiện ra Tòa án hoặc trọng tài. Đơn cử, đối với tranh chấp hợp đồng thì thời hiệu khởi kiện là 2 năm, kể từ ngày bên có quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm.

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, lựa chọn giải quyết tranh chấp qua trọng tài thương mại vẫn luôn là một phương thức nhiều ưu thế so với tòa án. Luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, điểm nổi trội của trọng tài thương mại là các doanh nghiệp được toàn quyền tự do thỏa thuận về lựa chọn trọng tài viên, số lượng, thời gian và địa điểm giải quyết vụ tranh chấp, tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo bí mật. Đặc biệt, VIAC không có quan niệm làm việc 8 tiếng, mà bất kể thời gian nào, luôn luôn lắng nghe và chia sẻ với DN.

 “Có vụ việc chúng tôi chỉ giải quyết trong vòng.... 27 ngày” – ông Dương khoe.

Mai Hoa

Đọc thêm