Trị tận gốc hành vi chuyển giá trốn thuế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 12/11/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2024. Một trong các nhiệm vụ được nêu rõ phải quyết liệt thực hiện nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; là “thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá trốn thuế, đặc biệt trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh ăn uống… bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu”.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Chuyển giá trốn thuế có thể hiểu là hành vi thực hiện chính sách giá với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa hai hay nhiều Cty liên kết không theo giá thị trường; nhằm tối thiểu hóa tổng số thuế phải nộp của nhóm Cty liên kết này.

Hành vi này không chỉ diễn ra giữa các giao dịch liên kết xuyên biên giới mà còn diễn ra giữa các giao dịch liên kết trong nội địa một quốc gia. Theo đó, một DN có thể thành lập thêm các Cty thành viên hoặc liên kết với các DN khác có quan hệ lợi ích chung để chuyển lợi nhuận đến nơi được ưu đãi thuế, từ đó giảm thiểu số thuế phải nộp.

Luật Quản lý thuế 2019 nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá. Nghị định 132/2020/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể về các biện pháp xử lý hành vi này.

Tuy nhiên, chuyển giá trốn thuế vẫn đang là một vấn đề nhức nhối kéo dài thời gian qua. Có thể nhận biết vi phạm này qua một số dấu hiệu như tình trạng báo cáo thua lỗ triền miên ở một số DN, dù thực tế các hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm của các DN này rất tốt. Cơ quan thuế từng phát hiện ở một số DN, dù trên báo cáo thì “thua lỗ trường kỳ”, thậm chí lỗ lũy kế đến âm vốn chủ sở hữu, nhưng DN vẫn hoạt động bình thường, còn tiếp tục mở rộng kinh doanh.

Không loại trừ trường hợp hành vi chuyển giá trốn thuế cũng đã xảy ra tại vụ án CQĐT vừa khởi tố tại một Cty kinh doanh vàng miếng, khi DN này doanh thu hàng tỷ USD/năm nhưng lãi lại rất “bèo”.

Các đối tượng vi phạm có nhiều chiêu trò “thiên biến vạn hóa”, nên công tác thanh, kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên hơn; các chế tài xử phạt cần được thực hiện nghiêm túc; và các quy định pháp luật về thuế vì vậy cũng cần phải tiếp tục được nghiên cứu bổ sung phù hợp thông lệ quốc tế, thực tế của Việt Nam, hạn chế tối đa các hành vi chuyển giá trốn thuế.

Đọc thêm