Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, tinh thần khát vọng thịnh vượng, sau nửa nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó có 7/27 chỉ tiêu dự báo vượt mục tiêu Đại hội và 15 chỉ tiêu hoàn thành.
Theo Tỉnh ủy Thanh Hóa, đến nay GRDP bình quân hàng năm (giai đoạn 2021-2023) tăng khá, ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Thanh Hóa tăng mạnh, hàng năm luôn vượt dự toán; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng.
Năm 2022 vừa qua, thu ngân sách của tỉnh đạt 51.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, mức thu này gấp 3,9 lần năm 2015 và gấp 6,5 lần năm 2010; đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu ngân sách nhà nước.
Trong 9 tháng năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 7,72%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; nhiều chỉ tiêu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thu ngân sách nhà nước tăng cao hơn so với mục tiêu Nghị quyết và so với năm 2020.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành Nông - lâm - thủy sản đạt 3,75%; không để xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 5,5%, sản lượng thủy sản tăng 3,8% so với cùng kỳ. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm chỉ đạo. Trong 9 tháng có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 104 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 10,28% so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,54%. Trong lĩnh vực công nghiệp, các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục khó khăn về nguồn nguyên, vật liệu, thị trường tiêu thụ, tập trung đẩy mạnh sản xuất ngay từ đầu năm; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh vẫn duy trì sản xuất ổn định, tăng công suất và có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động như: Nhà máy may Victory tại thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân), Nhà máy may xuất khẩu quốc tế CD tại xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy), Nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu giày và giày xuất khẩu của tập đoàn HuaLi (Yên Định)... Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,54%, có 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng hoặc tương đương với cùng kỳ.
Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; trong đó tỉ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 17,3% năm 2020 xuống còn 13,8%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 41,8% lên 48,4%; ngành dịch vụ giảm từ 33,9% xuống 31,8% và thuế sản phẩm giảm từ 7% xuống 6% (năm 2023). Năng suất lao động xã hội liên tục tăng, với tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt 12,65% (cao hơn so với mục tiêu nghị quyết là 9,6%).
Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Giai đoạn 2021-2023. Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho thấy, 10 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh này ước đạt trên 3,9 tỷ USD, bằng 71,7% kế hoạch năm.
Từ cuối quý 3 đến nay, hoạt động xuất khẩu có những tín hiệu phục hồi trở lại. Nhiều doanh nghiệp đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận và mở rộng thị trường, đón bắt đơn hàng dịp cuối năm.
Giai đoạn 2021-2023, ngành du lịch ước đón 26,5 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỷ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm. Năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 5 về lượt khách và đứng thứ 4 về tổng thu du lịch so với cả nước, với 11.038.000 lượt khách và tổng thu du lịch đạt 20.060 tỷ đồng.
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã đón 11.891.000 lượt khách, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2022 và đạt 99,2% kế hoạch năm 2023.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 201 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 38.665 tỉ đồng và 366,7 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án với số vốn 90,9 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án, với số vốn tăng thêm 90,9 triệu USD.
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã thành lập mới 10.700 doanh nghiệp, đứng thứ 7 cả nước. Luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650.000 tỷ đồng; trong đó, có 149 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỷ USD. Thanh Hoá hiện là tỉnh đứng thứ 8 của cả nước về thu hút vốn FDI. Các dự án đi vào vận hành đã trở thành động lực chính đưa quy mô nền kinh tế của tỉnh Thanh Hóa luôn trong top 10 của cả nước.
Kết quả đạt được qua nửa nhiệm kỳ, tỉnh Thanh Hóa đã và đang cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội, nhằm đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới của Tổ quốc.