Kinh tế TP HCM tăng trưởng thấp trong quý I/2023: Chủ tịch UBND TP nêu nguyên nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - 90% dự án bất động sản đang đóng băng, ngành ngân hàng bị tác động, cung tiền và lãi suất cao nên tiếp cận khó… khiến kinh tế TP HCM tăng trưởng thấp. Ý kiến được Chủ tịch UBND TP HCM, ông Phan Văn Mãi, đưa ra tại Hội nghị Thành ủy mở rộng mới đây.
Ông Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị.
Ông Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị.

GRDP của TP trong quý I ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng. Mức tăng trưởng chỉ bằng 0,7% so cùng kỳ 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 TP trực thuộc TW, đưa TP HCM vào danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Theo ông Mãi, kinh tế TP có độ mở cao, tác động gần như đồng thời với những diễn biến của tình hình thế giới. Nếu diễn biến kinh tế thế giới tích cực thì kinh tế TP sẽ ảnh hưởng trước theo chiều hướng tích cực và ngược lại.

Phân tích sâu về chỉ số tăng trưởng 0,7%, ông Mãi cho rằng TP là trung tâm dịch vụ, công nghiệp và các mảng này bị ảnh hưởng lớn. 90% dự án bất động sản đang đóng băng. Nhóm ngành ngân hàng bị tác động, cung tiền và lãi suất cao nên tiếp cận khó, tăng trưởng thấp; du lịch hồi phục khởi sắc nhưng nhiều mảng chưa phục hồi như quy mô trước dịch.

Cùng với đó, lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục bị ảnh hưởng khi đơn hàng giảm 30-40% và điều này đều xảy ra ở các địa phương có thế mạnh về sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, do thu nhập, việc làm, tiền lương của người lao động giảm cùng tác động tâm lý dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Theo ông Mãi, trong quý I, công tác điều hành của TP quyết liệt hơn năm ngoái nhưng công việc của TP quá lớn. Nếu chỉ nhìn vào con số tăng trưởng sẽ thấy không đạt nhưng TP vẫn thu ngân sách 26%. "Tiền vào túi là kết quả thực chất", ông Mãi nói và cho rằng cần nhìn nhận khách quan, đánh giá đúng để con số tăng trưởng 0,7% không phủ định các kết quả còn lại.

Về giải pháp cho thời gian tới, ông Mãi cho biết sẽ tập trung vào "những cái đang có trong tay", trong đó đầu tư công sẽ đi đầu, tháo gỡ ngay những dự án ngoài ngân sách. TP sẽ tập trung giải quyết những hồ sơ vướng mắc của DN, người dân.

Đánh giá công tác GPMB là công việc cần ưu tiên, ông Mãi kiến nghị Thành ủy, cấp ủy các địa phương quan tâm vấn đề này. Trong năm 2023, có 50 dự án giao thông thuộc 12 quận, huyện và Thủ Đức với tổng diện tích 100ha, giá trị 2.000 tỷ đồng. Riêng các dự án Vành đai 2, 3, 4 và cao tốc TP HCM - Mộc Bài có diện tích phải giải tỏa lên đến 900ha, tổng mức đầu tư 40.000 tỷ đồng. "Nếu GPMB hoàn thành trong 6 tháng đầu năm thì công việc phía sau rất thuận lợi", ông Mãi nhận định.

Với nhóm giải pháp hỗ trợ DN và sản xuất, kinh doanh, ông Mãi cho biết sẽ tập trung phân nhóm 141 vướng mắc của DN nhà nước trong tháng 4 tới để tháo gỡ. Riêng nhóm DN ngoài nhà nước, các vướng mắc chính tập trung ở thủ tục đầu tư, đất đai, hoàn thuế. TP cũng sẽ tập trung “rã băng” nhóm ngành bất động sản, tạo công ăn việc làm, kích thích các ngành khác.

"Các dự án chạy thì dòng vốn sẽ chạy, tạo công ăn việc làm, tạo khí thế, niềm tin cho nền kinh tế", ông Mãi nói và cho biết TP sẽ tập trung khai thác thị trường hơn 10 triệu dân bằng các chương trình khuyến mãi, khai thác thị trường trong nước và đẩy mạnh một số thị trường xuất khẩu với các chính sách hỗ trợ.

Đọc thêm