Cơ hội từ các FTA
Nền kinh tế Việt Nam năm 2020 tăng trưởng khá chậm do ảnh hưởng dịch Covid-19, tuy nhiên nhiều chuyên gia ví von kinh tế Việt Nam “giống như chiếc lò xo bị nén”, chỉ chờ thời cơ là bật tăng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định, có không ít cơ hội và tiềm năng mà Việt Nam có thể nắm bắt để vươn lên phát triển mạnh mẽ. Đó là cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), trong đó có FTA với EU; cơ hội từ thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển; cơ hội từ việc chuyển đổi số, thương mại điện tử, hay sự hình thành các ngành nghề, mô hình kinh doanh mới…
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu tận dụng triệt để các cơ hội này và khắc phục được những khó khăn nội tại của nền kinh tế, khả năng đạt được mức tăng trưởng cao vào năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025 là có cơ sở.
Trên thực tế, những dự báo gần đây của các tổ chức thế giới cũng nói rõ, sau năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trở lại. Cụ thể, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2021; ngân hàng UOB dự báo tăng trưởng 7,1%; HSBC thậm chí còn đưa ra con số tới 8,1%. Theo HSBC, nguyên nhân kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định.
Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, với những dự báo trên, khả năng phục hồi dự kiến sẽ từ quý II/2021. Bởi thời gian qua, Việt Nam liên tục ký kết các FTA thế hệ mới để mở rộng không gian kinh tế. Đây là điều rất quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài, vốn tin tưởng vào tiềm năng và thị trường Việt Nam tiếp tục tìm đến Việt Nam. Một khi dòng vốn đã dịch chuyển vào Việt Nam, tất yếu nền kinh tế Việt Nam sẽ bật dậy, không chỉ trong năm 2021 mà cả trong 5 năm tới. Chính vì vậy, hiện Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%, từ 2021–2025.
Bên cạnh đó, theo nhận định của các quỹ đầu tư, Việt Nam sẽ là điểm đến số 1 tại Đông Nam Á trong năm 2021, trong đó vai trò dẫn dắt dòng vốn rất có thể thuộc về các nhà đầu tư đến từ châu Âu.
Đón nhiều dự án FDI quy mô “khủng” ngay từ đầu năm
Ở khía cạnh nội lực, nhiều chuyên gia nhận định, trong giai đoạn vừa qua, điều hành chính sách của Việt Nam đã giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Thêm vào đó nội lực vốn công nghệ, tri thức kinh doanh, năng lực nội tại cũng rất lớn. Đó là chưa kể tính đồng lòng, chung sức của cộng đồng người dân Việt Nam trong bối cảnh đất nước khó khăn. Đây là những nội dung để phát triển trong thời gian tới.
Mặt khác, thị trường trong nước đã chứng minh tầm quan trọng và trở thành trụ đỡ giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Do đó, trong năm 2021 sự phục hồi của thị trường trong nước rất quan trọng. TS. Đặng Hoàng Hải Anh - Chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Mỹ chia sẻ rằng sức cầu nội địa là mấu chốt phát triển. Và Việt Nam hoàn toàn có thể thúc đẩy bởi châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng có lợi thế là trong dân chúng tồn tại luồng vốn lớn, khác với mô hình phát triển của Tây Âu do người dân tiết kiệm thấp, tiền bỏ vào các quỹ hưu trí.
Vào ngày áp chót để “chốt sổ” tổng hợp tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tháng 1/2021 (ngày 19/1), Đà Nẵng đã cấp chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises.
Quy mô của Dự án là đáng kể, với tổng vốn đầu tư đăng ký 110 triệu USD, nhưng quan trọng hơn, dự án này là của nhà đầu tư Mỹ, lại đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn - một lĩnh vực công nghệ cao mà Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư trong thời gian gần đây.
Năm trước, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã đón nhận Dự án Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Công ty UAC (Mỹ). Vì thế, sự xuất hiện của United States Enterprises giống như một lời khẳng định về mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực công nghệ cao ở Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung.
Đấy chính là điểm tích cực trong tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong tháng 1/2020. Nhiều dự án đầu tư lớn đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm mới 2021 và chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ cao. Điển hình nhất là dự án 270 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang của Foxconn.
Dù không công bố chính thức, song giới chuyên môn cho rằng, nhà máy trên sẽ nằm trong chuỗi các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện cho sản phẩm của Apple. Bởi thế, với sự xuất hiện của dự án này, có thể nói, “ông lớn” Apple đã gửi một thông điệp khá rõ ràng về việc sẽ dịch chuyển nhiều phân đoạn sản xuất về Việt Nam.
Ngoài dự án đó, có thể nhắc thêm Dự án công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 210 triệu USD; hay Dự án Công ty TNHH Công nghệ Everwin (Hồng Kông - Trung Quốc), tổng vốn đầu tư 200 triệu USD tại Nghệ An… Đây đều là các dự án trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư. Đó là tín hiệu tích cực.
Với sự xuất hiện của các dự án quy mô lớn, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2021 đã đạt 2,02 tỷ USD. Nếu chỉ so sánh đơn thuần về con số thì hơn 2 tỷ USD của tháng 1/2021 đã sụt giảm tới hơn 62% so với cùng kỳ. Nhưng thực tế, sự sụt giảm này là dễ hiểu. Tháng 1 năm ngoái, có Dự án Điện khí Bạc Liêu, 4 tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư, còn năm nay không có dự án quy mô lớn như vậy. Nếu không tính dự án này, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tháng 1/2021 sẽ tăng 51,7% so với cùng kỳ.
Điều này là tích cực. Và càng tích cực hơn khi tháng đầu năm đã có 1,51 tỷ USD vốn được đưa vào thực hiện, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Thêm nữa, thực tế là, ngoại trừ các tháng có các dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư thì bình quân hàng tháng, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam chỉ quanh mốc 2 tỷ USD. Như vậy, 2,02 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong tháng 1/2021 không phải là kết quả tồi.