Kinh tế xanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra một sự kiện, ý nghĩa thời cuộc. Đó là Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022. Tham dự, về phía Việt Nam có Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các ngành Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... và đông đảo doanh nghiệp Việt Nam.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phát biểu chào mừng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao nỗ lực của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương Việt Nam tổ chức GEFE 2022 với chủ đề vô cùng thời sự “Các sáng kiến và giải pháp xanh từ châu Âu đến Việt Nam”.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động, ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Do đó, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là yêu cầu khách quan, cấp thiết đối với Việt Nam, vì mục tiêu đem lại thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh không phải là công việc của một quốc gia, mà là công việc toàn cầu, không quốc gia nào đứng ngoài cuộc, nên kêu gọi đoàn kết toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương.

Chính vì thế, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số có tác động toàn dân nên cần có sự hợp tác toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Mọi chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách, thực thi chính sách với tinh thần: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ thưởng.

Phát triển xanh, năng lượng xanh, giao thông vận tải xanh, logistics xanh... không còn là khái niệm mới, chỉ dừng lại trên các diễn đàn hội nghị mà đang từng bước đi vào cuộc sống. Trong lĩnh vực tài chính... tài chính xanh cũng đã và đang được đầu tư.

Kinh tế xanh, không chỉ vì lợi ích phát triển bền vững của đất nước, mà còn là cam kết của Việt Nam với quốc tế. Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu.

Tất nhiên, để có kinh tế xanh, còn rất nhiều việc để làm. Trước hết là thể chế, hành lang pháp lý. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, khuyến khích kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn. Bảo đảm chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy hợp tác công - tư, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, đa dạng hoá sản phẩm, thị trường. Khuyến khích đổi mới sáng tạo vào các ngành mới nổi.

Đó là con đường của bền vững.

Đọc thêm