Cảng Quy Nhơn: Cần mô hình quản trị mới để miền Trung “cất cánh”

(PLO) - Những lùm xùm xung quanh việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn vừa đượcThanh tra Chính phủ công bố. Tuy nhiên, vấn đề được dư luận và đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp (DN) quan tâm hơn cả là sẽ phát triển cảng Quy Nhơn theo hướng nào để khai thác tối đa tiềm năng của một cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Việt Nam.
Cảng Quy Nhơn có vị trí cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Việt Nam
Cảng Quy Nhơn có vị trí cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Việt Nam

Vị trí trọng yếu

Là một cảng biển thuộc TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định song từ lâu cảng Quy Nhơn là cửa ngõ chính vận chuyển hàng hóa của miền Trung - Tây Nguyên, có vai trò quan trọng đối với quốc phòng - an ninh, hành lang Đông - Tây (nối từ Myanmar ra Biển Đông) trong giao thương quốc tế. 

Cảng Quy Nhơn được hình thành năm 1976, do Cục Đường biển (Bộ GTVT) quản lý. Đến năm 1993, Bộ GTVT quyết định thành lập DN nhà nước Cảng Quy Nhơn. Năm 2009, cảng trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Tháng 7/2013, Vinalines phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành Công ty cổ phần (CTCP) Cảng Quy Nhơn (QNP).

Cảng Quy Nhơn hiện chỉ có duy nhất khu bến cảng Thị Nại có khả năng tiếp nhận tàu contener tới 50 nghìn DWT. Theo quy hoạch của Chính phủ, tới năm 2020, cảng Quy Nhơn sẽ có thêm khu bến cảng Nhơn Hội (trong khu kinh tế Nhơn Hội) có khả năng tiếp nhận tàu tới 80 - 100 nghìn DWT làm cảng chuyên dụng và khu bến cảng Đống Đa, Đề Gi, Tam Quan làm khu bến địa phương vệ tinh.

Liên quan đến việc cổ phần hóa QNP, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố hôm 1/10, 75,01% cổ phần đã bán cho Công ty Hợp Thành sẽ phải thu hồi về sở hữu nhà nước. Vấn đề đặt ra là QNP sẽ quay về hoạt động theo mô hình cũ hay tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư mới? Trước đó, hồi đầu tháng 7, làm việc với Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiến nghị thu hồi QNP về cho Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho hay việc cổ phần hóa tại cảng Quy Nhơn đã “lọt” vào tay tư nhân, địa phương lúng túng, mất kiểm soát.

Phải đổi mới…

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), mong muốn của UBND tỉnh Bình Định là không mới. QNP đã hoạt động theo mô hình DN nhà nước được 37 năm, mô hình CTCP mà Nhà nước nắm giữ đa số được 3 năm nhưng không có nhiều đổi mới, bên cạnh đó tồn tại  nhiều bất cập và tiêu cực trong công tác quản lý DN, như: tồn tại cơ chế xin cho trong công tác tuyển dụng lao động và cán bộ quản lý dẫn đến bộ máy quản lý cồng kềnh, năng lực yếu kém, nguồn nhân lực lao động quá đông nhưng năng suất thấp; Suất đầu tư rất cao so với khu vực tư nhân, nhiều khoản đầu tư cao gấp đôi so với đầu tư tư nhân.

Cùng với đó là tình trạng “hoa hồng” tồn tại  trong ký kết hợp đồng bốc  xếp, tình trạng cửa quyền trong công tác xếp dỡ hàng hóa do Cảng Qui Nhơn ở vị thế “tương đối độc quyền “ cộng với cơ chế quản lý theo kiểu DN nhà nước. Mặt khác, kết quả hoạt động kinh doanh cũng cho thấy doanh thu lợi nhuận dưới thời DN nhà nước thấp, chi phí cao không tương xứng với thực trạng của Cảng.

VAFI cũng cho rằng, QNP muốn phát triển mạnh mẽ để thúc đẩy kinh tế cho tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thì phải dựa vào các nhà đầu tư chiến lược tư nhân có năng lực quản trị và tiềm lực tài chính mạnh. Đồng thời phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản trị DN tại QNP bằng đối tác chiến lược mạnh về quản trị và tài chính để nâng qui mô cảng lên 25 triệu tấn/năm, tổ chức được các tuyến tàu container kết nối thẳng với Singapore, Hongkong. 

Để thay đổi cơ chế quản trị của QNP, VAFI cho rằng cần phải “thúc” QNP nhanh chóng niêm yết và khẳng định đây là nhiệm vụ của Bộ GTVT và Vinalines. VAFI đề xuất: “QNP đã làm xong thủ tục niêm yết từ lâu, vấn đề bây giờ  là phải đưa QNP lên sàn để thực hiện minh bạch tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư; Tiếp theo là tổ chức bán đấu giá công khai 75% cổ phần nhà nước cho các nhà đầu tư chiến lược. Cần phải đưa ra chi tiết tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tốt nhất cộng với cam kết đầu tư lâu dài …”.

Nếu không có cổ phần nhà nước thì Cảng Quy Nhơn có duy trì được mục tiêu “an ninh quốc phòng”?

Theo VAFI, Luật Hàng Hải và các bộ luật hiện hành đều qui định rõ vai trò quản ký nhà nước (QLNN) đối với vùng đất, vùng nước của tất cả các cảng biển. Các đơn vị QLNN như cảng vụ, biên phòng, hải quan, kiểm dịch, công an, … đều có quyền hoạt động tại các cảng biển và có quyền kiểm soát mọi hoạt động liên quan đến an ninh quốc phòng… trong cảng. Trong khi đó, cảng biển không phải như một nhà dân mà người chủ sở hữu có quyền ngăn cản các cơ quan QLNN.

Thực tiễn thông lệ trên thế giới cũng chỉ ra rằng hầu hết tất cả các cảng biển đều do công ty tư nhân vận hành khai thác và đều đảm bảo an ninh quốc phòng. “Nếu lấy quan điểm là DN khai thác cảng phải là DN do Nhà nước nắm giữ chi phối thì sẽ rất khó phát triển cảng với chất lượng hiệu quả cao, đặc biệt với trường hợp QNP, từ đó khó thu hút đông đảo DN tham gia đầu tư vào Bình Định…?” - VAFI khẳng định.

Thực tế hiện nay ở nước ta, tại các khu cảng lớn như Hải Phòng, Sài Gòn, Vũng Tàu, vai trò của các cảng biển mà Nhà nước nắm chi phối có vai trò rất nhỏ. Đa phần lượng hàng thông quan qua khu vực cảng biển tư nhân và yếu tố này đã liên tục thúc đẩy kinh tế nước nhà phát triển.

Đọc thêm