Luật Đấu giá tài sản: Bảo đảm việc xử lý tài sản khách quan, minh bạch, hiệu quả

(PLO) - Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 2, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017 có nhiều điểm mới quan trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Để rõ hơn về các vấn đề này cũng như công tác chuẩn bị đảm bảo cho Luật triển khai hiệu quả, Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đỗ Hoàng Yến. 
Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến
Cục trưởng Đỗ Hoàng Yến

Thưa bà, xin bà cho biết những điểm mới nổi bật của Luật Đấu giá tài sản? Đặc biệt Luật đưa ra những cơ chế gì đảm bảo hiệu quả cho việc bán đấu giá tài sản công?

- Luật Đấu giá tài sản có nhiều nội dung mới nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản đối với Nhà nước và khách hàng, hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong hoạt động đấu giá tài sản, bảo đảm việc xử lý tài sản khách quan, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước, cụ thể như sau: 

Thứ nhất, Luật chuẩn hóa việc đào tạo nghề đấu giá, quy trình tập sự hành nghề đấu giá nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên. Theo quy định của Luật thì người muốn trở thành đấu giá viên phải tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá (người có ít nhất 03 năm công tác trong lĩnh vực được đào tạo mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá với thời gian là 06 tháng) và phải qua quá trình tập sự hành nghề đấu giá, kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá (trước đây người muốn trở thành đấu giá viên chỉ cần tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá 03 tháng và không phải tập sự hành nghề đấu giá).

Thứ hai, Luật nâng cao tính chuyên nghiệp của tổ chức đấu giá tài sản, bảo đảm đầy đủ trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản trước khách hàng, Nhà nước. Theo đó, Luật quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản chỉ được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh (là loại hình doanh nghiệp chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ của doanh nghiệp); doanh nghiệp đấu giá tài sản thực hiện đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp và chỉ hoạt động trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

Thứ ba, Luật quy định thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản áp dụng đối với các loại tài sản bán đấu giá, bao gồm cả tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức có lựa chọn hình thức bán đấu giá. Một trong những điểm mới của Luật là đã tách bạch trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quy trình trước, sau khi tổ chức đấu giá tài sản (ví dụ như việc xác định giá khởi điểm của tài sản đấu giá, việc chuyển giao tài sản sau khi bán đấu giá thuộc trách nhiệm của người có tài sản), qua đó, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện trong từng khâu của quá trình hoạt động bán đấu giá tài sản. 

Thứ tư, Luật có nhiều quy định nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan của việc tổ chức đấu giá tài sản bao gồm các nội dung như việc niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá được thực hiện rộng rãi, rõ ràng, đầy đủ thông tin; việc đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện thuận lợi, chặt chẽ; tỷ lệ tiền đặt trước được nâng lên phù hợp để hạn chế tình trạng tham gia đấu giá để trục lợi; thủ tục mua hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá được công khai, liên tục; hình thức đấu giá, phương thức đấu giá được quy định rõ ràng, chặt chẽ nhằm hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá.

Đối với tài sản công nói riêng và các tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá nói chung (ví dụ như tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm, tài sản của doanh nghiệp phá sản...), Luật Đấu giá tài sản đã có những quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục đấu giá, đảm bảo tính công khai, minh bạch của việc tổ chức bán đấu giá tài sản. 

Quy định quy trình thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá như: quy định việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản có đủ điều kiện để tổ chức cuộc đấu giá (cơ sở vật chất, đấu giá viên, có tên trong danh sách do Bộ Tư pháp công bố...); chỉ đấu giá theo phương thức trả giá lên, phải công khai giá khởi điểm, thông báo công khai trên báo viết, báo hình và trang thông tin điện tử chuyên ngành; hạn chế thành lập Hội đồng đấu giá tài sản; trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong việc giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá.

Ngoài các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản bao gồm hủy kết quả đấu giá tài sản theo thỏa thuận, khởi kiện tại Tòa án, đối với tài sản nhà nước, Luật Đấu giá tài sản quy định kết quả đấu giá tài sản bị hủy theo quy định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi có các hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, thông đồng, móc nối để dìm giá... qua đó góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các bên có liên quan, lợi ích của Nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản. 

Có ý kiến cho rằng biển số xe đẹp không bán đấu giá được là do Luật Đấu giá tài sản không quy định. Bà nhận định ra sao?

- Trong thời gian qua, có rất nhiều bài báo phản ánh về việc vướng mắc trong việc triển khai đấu giá biển số xe đẹp là do Luật Đấu giá tài sản. Để hiểu rõ và đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản và nội dung vụ việc này, tại Hội nghị triển khai Luật Đấu giá tài sản vừa qua tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia đầy đủ của các cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương, các Sở Tư pháp, tổ chức đấu giá tài sản, cơ quan, ban, ngành ở địa phương, Bộ Tư pháp cũng đã có thông tin chính thức về vấn đề này, cụ thể như sau:

Luật Đấu giá tài sản được xây dựng trên quan điểm chỉ đạo là luật hình thức, quy định thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản. Tài sản đấu giá bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá. Tại khoản 1 Điều 4 đã liệt kê các tài sản được bán đấu giá trên cơ sở quy định của pháp luật chuyên ngành hiện hành. Việc đưa tài sản nào ra bán đấu giá là do pháp luật chuyên ngành quy định, ví dụ loại đất nào được giao, cho thuê thông qua hình thức đấu giá do Luật Đất đai quy định, loại tài sản nhà nước nào xử lý theo hình thức đấu giá do Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước quy định... 

Bên cạnh đó, Luật Đấu giá tài sản đã quy định “quét” theo đó các tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản (chẳng hạn như quyền khai thác cảng biển, sân bay, biển số xe đẹp...). Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định việc cấp biển số xe thông qua hình thức đấu giá (theo quy định của pháp luật hiện hành thì biển số xe đang được cấp thông qua hình thức bấm số chọn ngẫu nhiên).

Như vậy, trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định biển số xe đẹp phải bán thông qua đấu giá thì được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá tài sản. 

Hiện nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xem xét, xây dựng văn bản pháp luật và cơ chế về đấu giá biển số xe đẹp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp cũng đã có ý kiến tham gia đối với Đề án đấu giá biển số xe đẹp do Bộ Công an chủ trì lấy ý kiến, trong đó đã thông tin rõ là để thực hiện việc đấu giá biển số xe đẹp, Bộ Công an cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về đăng ký xe theo hướng quy định việc cấp biển số xe được thực hiện thông qua hình thức đấu giá để có cơ sở pháp lý triển khai việc đấu giá biển số xe theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Để triển khai có hiệu quả Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả của các tổ chức hành nghề đấu giá cũng như đấu giá viên?

- Để nhanh chóng đưa Luật Đấu giá tài sản đi vào thực tiễn cuộc sống, bảo đảm thi hành đồng bộ, thống nhất, kịp thời và hiệu quả, đặc biệt nhằm nâng cao hiệu quả của các tổ chức hành nghề đấu giá và nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên, trong thời gian qua Cục Bổ trợ tư pháp đã tích cực, chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tư pháp thực hiện một số công việc sau đây:

 Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để ban hành và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đấu giá tài sản như: Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản; Nghị định số 61/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn; một số thông tư… nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá tài sản khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành.

Đồng thời có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm quán triệt việc triển khai, thi hành Luật Đấu giá tài sản kịp thời, đồng bộ, thống nhất; tổ chức Hội nghị triển quán triệt Luật Đấu giá tài sản tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để triển khai các quy định mới của Luật Đấu giá tài sản tới các sở, ban, ngành, các tổ chức đấu giá tài sản và đội ngũ đấu giá viên; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật Đấu giá tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục có những chỉ đạo sâu sát, hướng dẫn kịp thời nhằm đảm bảo đưa các quy định của Luật Đấu giá tài sản vào thực tiễn cuộc sống.

Xin cám ơn Cục trưởng!

Đọc thêm