Ngưng thu mua tạm trữ gạo?

(PLO) - Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay sẽ không đề xuất việc thu mua tạm trữ lúa gạo như thường niên trong vụ Đông Xuân 2015 - 2016.
Vụ Đông Xuân năm nay, do giá tốt cho người dân nên việc thu mua tạm trữ
trở nên không cần thiết
Vụ Đông Xuân năm nay, do giá tốt cho người dân nên việc thu mua tạm trữ trở nên không cần thiết

Giá đang tốt cho dân

Từ nhiều năm nay, trước khi vào chính vụ Đông Xuân (khoảng thời điểm đầu tháng 3) giá lúa gạo trong nước thường có xu hướng xuống thấp. Theo cơ chế của Chính phủ, những lúc như vậy, Bộ NN&PTNT chủ trì và bộ, ngành liên quan cùng VFA thường kiến nghị Chính phủ cho phép thu mua tạm trữ lúa gạo với mức giá nhất định để đảm bảo lợi ích cho nông dân. 

Tìm hiểu của PLVN, theo chương trình thu mua tạm trữ, Chính phủ sẽ tiến hành hỗ trợ 100% lãi suất cho doanh nghiệp (DN) mua tạm trữ từ khi mua gạo vào đến khi bán ra (khoảng 3 - 4 tháng). DN cũng được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất tối đa 7%/năm. Khối lượng thu mua mỗi đợt là khoảng 2 triệu tấn lúa (tương đương 1 triệu tấn gạo), được thực hiện trong khoảng 1 tháng để phục vụ dự trữ quốc gia, tạm trữ lưu thông (ngoài lượng dự trữ lưu thông của DN) để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. 

Chính sách này nhằm hỗ trợ gián tiếp nông dân, tập trung tiêu thụ kịp thời lượng lúa gạo hàng hóa với giá tốt hơn thông qua các DN hội viên. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân năm nay, VFA sẽ không đề xuất việc thu mua tạm trữ lúa gạo như thường niên do giá lúa hiện nay đã tốt, có lợi cho nông dân và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Với mức giá như hiện nay, việc có chủ trương mua tạm trữ hầu như không cần thiết. 

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA,  nguyên nhân khiến giá lúa gạo lại tăng ngay trong thời điểm chính vụ Đông Xuân là do năm nay năng suất, sản lượng lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm đáng kể do nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm nhập mặn và El Nino. 

Ngoài ra, việc cần mua thêm để thực hiện hợp đồng còn lại từ năm ngoái chuyển qua, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, yếu tố cầu tăng từ xuất khẩu đường mậu biên cũng tác động lớn đến tình hình giá cả lúa gạo trong nước. 

Xuất khẩu sẽ khởi sắc

Theo nhiều chuyên gia về lúa gạo, việc xuất khẩu gạo đầu năm 2016 nhiều thuận lợi hơn so với đầu năm 2015. Gạo tồn kho năm 2015 không còn nhiều như các năm trước, còn 300 ngàn tấn so với bình quân 700 ngàn tấn gạo gối đầu. 

Bên cạnh đó, hợp đồng thương mại và hợp đồng tập trung từ năm 2015 chuyển qua khoảng hơn 1,3 triệu tấn và nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn đến sớm. Ngoài vấn đề giá, đây cũng là lý do quan trọng để vụ Đông Xuân 2015 - 2016, VFA không đề xuất mua tạm trữ như những năm trước.

Theo dự báo của VFA, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm 2016 sẽ khá tốt do các quốc gia nhập khẩu lớn như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia sẽ sớm ký hợp đồng nhập gạo để ổn định nguồn cung lương thực trong nước. Thời điểm cuối năm vẫn còn khoảng 500.000-600.000 tấn gạo cần giao cho các hợp đồng tập trung và 200.000 tấn hợp đồng thương mại mà các DN đã ký kết trong quý 1/2016. 

Trung Quốc sẽ tiếp tục là một thị trường tiêu thụ gạo quan trọng của Việt Nam không chỉ trong năm 2016 mà cả các năm tiếp theo do nhu cầu lớn, vận chuyển dễ dàng và yêu cầu không cao về chất lượng. Ngoài ra, phía Philippines cho biết đã có kế hoạch mua thêm gạo từ Việt Nam và Thái Lan trong năm 2016 để đảm bảo nguồn cung lương thực.

Trong đó, nước này sẽ mua ít nhất 50 ngàn tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan để đảm bảo đủ lượng dự trữ trong những thời điểm bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Chính phủ Indonesia cũng có kế hoạch mua 350 ngàn tấn gạo ngay trong quý I/2016 để tăng lượng dự trữ và hạn chế sự tăng giá.  

Đọc thêm