Thị trường lao động ổn định sau Tết Đinh Dậu

(PLO) - Sau Tết là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động. Đây cũng là thời điểm nhiều người chọn để thay đổi công việc và các DN tuyển lao động cho kế hoạch sản xuất năm mới. Theo đánh giá chung của các DN, năm nay không còn tình trạng công nhân “nhảy việc” tràn lan, gây ra tình trạng biến động thị trường lao động như những năm trước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết, tính đến chiều 3/2, gần 100% các DN thuộc các KCN-KCX tại TP đã trở lại làm việc bình thường với số lao động làm việc trên 95%.

Một số DN đã “kéo” được 100% công nhân quay trở lại làm việc từ những ngày đầu tiên của năm mới nhờ chính sách lương, thưởng, phụ cấp được cải thiện như: Ứng trước nửa tháng lương từ trước Tết, lì xì sau Tết đã tạo tâm lý phấn khởi cho công nhân; tổ chức xe đưa công nhân về quê và đón ra làm việc.

Tại TPHCM, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, do các DN thực hiện chính sách lương, thưởng và phúc lợi tốt nên mức độ thiếu hụt lao động sau Tết chỉ dưới 3%, mức độ dịch chuyển lao động khoảng 15%. 

Số lao động chưa trở lại làm việc trong những ngày đầu năm mới đa phần là những người sống ở khu vực miền Trung, miền Bắc, vì họ kết hợp những ngày nghỉ Tết và cắt thêm phép năm để có thêm thời gian sum họp bên gia đình. 

Theo đánh giá của các chuyên gia lao động, việc thiếu hụt lao động sau Tết chủ yếu xảy ra ở một số DN sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, hoặc một số ngành nghề đặc thù như: Dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản. Đặc biệt là những ngành nghề sử dụng nhiều lao động thời vụ, có hợp đồng làm việc từ 3-6 tháng, lao động bán thời gian như nhà hàng-khách sạn, giao hàng, sửa chữa xây dựng, dịch vụ giúp việc gia đình… 

Đối với các KCN-KCX, thời gian gần đây, người lao động có công việc ổn định, mức lương hấp dẫn, nên phần lớn công nhân lao động không còn tư tưởng “đứng núi này, trông núi nọ”, mà thường xác định gắn bó lâu dài với DN. 

Đọc thêm